Khu công nghệ cao Hòa Lạc được đánh giá có hạ tầng vào loại hiện đại và hoàn thiện bậc nhất cả nước. Ở đây có thể thu hút nhiều dự án FDI, nhưng phải là dự án công nghệ cao.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây, khu công nghệ cao Hòa Lạc được bắt đầu thành lập và xây dựng từ năm 1998. Một khu vực rộng trên 1.500 ha của huyện Thạch Thất được xây dựng khu công nghệ với mục tiêu là nơi nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia.
Sau nhiều năm xây dựng, hiện nay khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có hình hài khá hoàn thiện. Tính đến hết năm 2019, nơi đây đã thu hút được 91 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là khoảng 86.367 tỷ đồng. Trong đó có 46 dự án đang hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và gia công phần mềm, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa; dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Một số dự án công nghệ lớn của các doanh nghiệp trong nước cũng chọn Hòa Lạc để đầu tư. Một tập đoàn Hàn Quốc cũng từng rót vốn để xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ máy bay tại đây.
Hòa Lạc có vị trí khá đẹp khi nằm ở ngã tư trung tâm, là giao lộ lớn của Đại lộ Thăng Long, đường Hòa Lạc - Hòa Bình và quốc lộ 21A. Từ đây có thể dễ dàng di chuyển về trung tâm thành phố mất chưa đến một giờ chạy xe.
Hệ thống giao thông nội khu bên trong khu công nghệ cao cũng được xây dựng cơ bản hoàn thiện theo hướng hiện đại. Theo thống kê, khu công nghệ cao dành ra diện tích 220,55 ha để xây dựng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Nhiều công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật như: Nhà điều hành, trạm cấp nước, xử lý nước thải, bể dự phòng sự cố nước thải, trạm điện, bãi trung chuyển rác thải rắn dự phòng… cũng được xây dựng.
Để kết nối với trung tâm thành phố, hiện tại phương tiện công cộng chủ yếu là xe bus. Trong tương lai dự kiến còn có một tuyến đường sắt nối Hòa Lạc với trung tâm thành phố, giúp việc di chuyển dễ dàng hơn.
Đã có một số trường đại học, tập đoàn lớn xây dựng cơ sở và viện nghiên cứu ở Hòa Lạc. Dự kiến trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn đặt ở Hòa Lạc.
Theo định hướng, khu công nghệ cao sẽ là nơi ươm tạo công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và sản phẩm công nghệ cao. Do đó, các viện nghiên cứu, trường đại học được tạo điều kiện tối đa để xây dựng tại đây. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được quy hoạch xây dựng nằm ngay cạnh khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, hạ tầng xã hội vẫn chưa phát triển tại Hòa Lạc. Tại đây chỉ lác đác có các tiện ích phục vụ các dự án như quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa... Trong khi đó, các dự án nhà ở tại đây cũng chưa nhiều.
Nhiều chuyên gia đánh giá Hòa Lạc đang phát triển dưới tiềm năng của mình. Trong chuyến thăm đến Hòa Lạc vào đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban quản lý khu công nghệ cao thu hút có trọng tâm, trọng điểm dự án, chứ không phải làm rời rạc để làm sao sớm lấp đầy khu công nghệ cao.
Khi được hỏi về khả năng thu hút các dự án FDI của Hòa Lạc trước làn sóng dịch chuyển đầu tư, ông Lưu Hoàng Long, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho rằng tại đây có đầy đủ năng lực và hạ tầng.
Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh Hòa Lạc là nơi định hướng thu hút các dự án FDI công nghệ cao. Cho dù đó là dự án tỷ USD mà không thỏa mãn tiêu chuẩn công nghệ cao, cũng không được đầu tư ở Hòa Lạc. Thay vào đó là các khu công nghiệp khác trên cả nước.
Hòa Lạc có thể đóng vai trò là nơi phát triển công nghệ nguồn, rồi chuyển giao sản xuất cho các nhà máy ở khu công nghiệp khác. Ông Long nhấn mạnh nếu khách hàng có yêu cầu về việc tìm kiếm cả nơi nghiên cứu công nghệ cao, và đi kèm các nơi sản xuất đại trà, ban quản lý sẽ kết nối với các khu công nghiệp xung quanh để tạo ra một hệ sinh thái tốt nhất.
Vị trí khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Google Maps.
Việt Linh - Hiếu Công
Link bài gốc
https://zingnews.vn/khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-co-san-sang-don-du-an-fdi-ty-usd-post1083803.html