|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiếp giáp điểm đầu cuối Vành đai 4 - vùng Thủ đô, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đón đầu cơ hội phát triển kinh tế

10:07 | 29/09/2021
Chia sẻ
Mặc dù không nằm trong ba tỉnh, thành có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, song vĩnh Phúc và Bắc Giang lại là hai địa phương có vị trí nằm ở điểm đầu và điểm cuối của dự án này.

Hệ thống hạ tầng giao thông luôn được coi là mạch máu của nền kinh tế, ở đâu có kết cấu hạ tầng tốt thì kinh tế sẽ phát triển. Trong khi Vành đai 3 đã có dấu hiệu quá tải, chủ trương xây dựng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chính thức được Hà Nội thông qua.

Không chỉ với kỳ vọng giúp giảm ách tắc giao thông, dự án này còn là "đòn bẩy" phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành nằm trong khu vực Vùng Thủ đô cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có Bắc Giang và Vĩnh Phúc.

Bắc Giang làm đường vành đai 4 chạy song song với vành đai 4 - vùng Thủ đô

Theo nghiên cứu quy hoạch ban đầu có đi qua huyện Việt Yên và Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang kết nối với tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên nhưng khi phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không đi qua địa phận tỉnh Bắc Giang.

Trong cuộc họp đầu tháng 5 do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì, với Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết với mục tiêu tăng cường tính kết nối của toàn vùng và khu vực, tỉnh Bắc Giang đã lập quy hoạch và triển khai xây dựng tuyến đường vành đai 4 (Hà Nội) nằm trên địa phận tỉnh Bắc Giang (hướng tuyến chạy song song với tuyến đường vành đai 4  vùng Thủ đô Hà Nội).

Tiếp giáp điểm đầu cuối Vành đai 4 - vùng Thủ đô, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đón đầu cơ hội phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Bắc Giang đã lập quy hoạch và triển khai xây dựng tuyến đường vành đai 4 (Hà Nội) nằm trên địa phận tỉnh Bắc Giang (hướng tuyến chạy song song với tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội). (Nguồn: Quy hoạch Hà Nội).

Dự án bao gồm tuyến chính dài 20,8 km và 3 tuyến nhánh có tổng chiều dài 14,68 km. Trước mắt đầu tư với quy mô đường cấp III, mặt đường rộng 11m, nền đường rộng 12 m; trên tuyến xây dựng 2 công trình cầu, gồm cầu vượt đường sắt dài hơn 200 m thuộc địa phận huyện Việt Yên và cầu Xuân Cẩm – Bắc Phú vượt sông Cầu dài 479,5 m thuộc địa phận huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Hiện nay toàn bộ công trình thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020, còn hạng mục tứ nón chân khay mố cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú chưa hoàn thành do huyện Sóc Sơn chưa bàn giao mặt bằng để thi công.

Ông Lê Ánh Dương đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện thi công 3 km đoạn nối từ cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú đến đoạn nút giao Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên theo như nội dung đã thống nhất tại văn bản của UBND TP Hà Nội; giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại sớm hoàn thành, bàn giao mặt bằng để thi công hạng mục tứ nón chân khay của cầu Xuân Cẩm-Bắc Phú; đồng thời sớm thực hiện đầu tư dự án tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tuyến vành đai 4 đi qua địa phận Bắc Giang như quy hoạch cũ, đưa tuyến vành đai 4 mà Bắc Giang đã thi công xong vào quy hoạch đường vành đai 4 mới.

Bộ GTVT và TP Hà Nội cũng đã trao đổi và đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Giang. Với sự đồng thuận tại hội nghị, trong thời gian tới, việc triển khai sớm 2 nội dung trên sẽ góp phần đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cho tỉnh Bắc Giang, tạo không gian và dự địa phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Tiếp giáp điểm đầu - cuối Vành đai 4, Bắc Giang và Vĩnh Phúc 'đón đầu' cơ hội phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Một góc khu công nghiệp tại Bắc Giang. (Ảnh: Zing).

Mặc dù không nằm trong địa phận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, song với vị trí tiếp giáp điểm cuối của dự án cũng sẽ mang lại cho Bắc Giang một số thuận lợi, đặc biệt với một tỉnh vốn luôn nằm trong top những địa phương nổi bật với hàng loạt các khu công nghiệp, thu hút vốn FDI.

Với vị trí tiếp giáp đường Vành đai 4 và cũng là khu vực có đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi qua, huyện Việt Yên (Bắc Giang) được tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2025.

Đáng chú ý, với việc điều chỉnh bổ dung thêm 9km tuyến nối từ điểm cuối dự án đến Quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh vào hồi đầu tháng 8 giúp cho huyện Việt Yên tiến gần hơn với mục tiêu trở thành đô thị cửa ngõ liên kết vùng Thủ đô Hà Nội.

Tiếp giáp điểm đầu - cuối Vành đai 4, Bắc Giang và Vĩnh Phúc 'đón đầu' cơ hội phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Đường Vành đai 4 được điều chỉnh bổ sung thêm 9km nối từ điểm cuối dự án đến Quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. (Nguồn: Quy hoạch Bắc Ninh).

Theo quyết định Chương trình phát triển đô thị huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2035, tỉnh đã xác định lộ trình đầu tư các khu vực phát triển đô thị cụ thể tại huyện Việt Yên với 8 khu vực.

Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ phát triển hoàn chỉnh, cải tạo chỉnh trang khu đô thị (KĐT) trung tâm hiện hữu và lan tỏa ra các khu vực xung quanh, trong đó tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng khung tạo động lực phát triển.

Khu vực tập trung phát triển trong giai đoạn này là KĐT trung tâm (thị trấn Bích Động); Khu số 2: KĐT dịch vụ công nghiệp phía Đông (các xã Hồng Thái, Tăng Tiến); Khu số 3: KĐT dịch vụ thương mại (thị trấn Nếnh); Khu số 4: KĐT công nghiệp phía Nam cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn (các xã Vân Trung, Quang Châu); Khu số 5: KĐT mới văn hóa sinh thái (các xã Ninh Sơn, Quảng Minh).

Gần đây nhất, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng KĐT mới Quảng Minh tại xã Quảng Minh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (tỷ lệ 1/500). Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 49,9 ha, dân số dự kiến khoảng 5.000 người.

KĐT mới Quảng Minh sẽ là KĐT mới kết hợp công viên sinh thái, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân tại thị trấn Nếnh và xã Quảng Minh, huyện Việt Yên.

Vĩnh Phúc tăng tính liên kết vùng, thúc đẩy tiềm năng sẵn có

Với vị trí tiếp giáp điểm đầu dự án Vành đai 4 kết nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng là một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án này. Thành phố có vị trí giao thông thuận lợi như nằm gần sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến giao thông quan trọng như: Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường sắt Hà Nội – Lào Cai, QL2, QL23.

Ngoài ra, Phúc Yên còn tập trung đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như đường từ Đầm Diệu vượt đường sắt đi Nam Viêm, đường từ đảo tròn Nguyễn Tất Thành giáp Bình Xuyên đi Đại Lải, đường Nguyễn Văn Cừ, đường nối từ xã Cao Minh đi Nam Viêm.

Với lợi thế về giao thông, kết nối hạ tầng cơ sở cũng khá hoàn thiện, đây là nền tảng vững chắc thúc đẩy quá trình đô thị hóa của thị xã trở nên nhanh chóng hơn.

Tiếp giáp điểm đầu cuối Vành đai 4 - vùng Thủ đô, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đón đầu cơ hội phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Đường Vành đai 4 có điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), tiếp giáp tỉnh Vĩnh Phúc. (Nguồn: Quy hoạch Hà Nội).

Trong cuộc họp đầu tháng 5, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang, hai địa phương dù nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4 cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các quy hoạch liên quan, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông có tính kết nối với tuyến đường Vành đai 4 để đảm bảo khớp nối đồng bộ về quy hoạch nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng khung của Vùng Thủ đô.

Tại cuộc họp này, ông Trần Hữu Bảo (Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) nhấn mạnh tuyến đường này không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Dự án đường vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, đi qua 14 quận, huyện, thành phố của ba tỉnh, thành phố.

Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài khoảng 98 km (qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km).

Vào tháng 8 vừa qua, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở ba tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên vừa tổ chức họp thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết sau khi tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung thiết kế theo ý kiến của lãnh đạo ba tỉnh, thành phố, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài là 110 km (tăng 9 km từ điểm cuối tuyến đến quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh).

Riêng hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4.

Dự kiến tổng mức đầu tư của vành đai 4 khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công - tư và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

Phương Trang

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.