|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các tỉnh thành rót tiền nhiều nhất vào cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021-2025

06:53 | 07/02/2022
Chia sẻ
Nhóm các tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cao nhất cả nước gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương,...

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dẫn đầu cả nước với kế hoạch đầu tư công trung hạn là khoảng 304.799 tỷ đồng, vượt xa tất cả các tỉnh thành còn lại. Đứng thứ hai là TP HCM với 156.557 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương là 142.557 tỷ, ngân sách Nhà nước là 14.000 tỷ). Hải Phòng lọt top 3 với kế hoạch khoảng hơn 95.000 tỷ đồng, theo Báo Hải Phòng dẫn số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Các tỉnh thành khác trong nhóm dẫn đầu có tổng vốn đầu tư công trung hạn khoảng 40.000 - 70.000 tỷ đồng. 

Nhìn vào nhóm dẫn đầu cả nước về kế hoạch đầu tư công trung hạn, có thể thấy hầu hết là những tỉnh thành mạnh về sản xuất công nghiệp, kinh tế cũng tăng trưởng khá. Nói riêng về lĩnh vực hạ tầng giao thông, các tỉnh thành này cũng có nhiều dự án đáng chú ý.

Các tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 1.

Hà Nội, TP HCM tập trung làm đường vành đai, đường sắt đô thị

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Hà Nội, có nhiều dự án giao thông quan trọng sẽ được triển khai như hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai) và số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).

Các tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Metro số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài 12,5 km, trong đó, đi trên cao 8,5 km và đi ngầm 4 km. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Trong khi đó, tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) dài khoảng 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi), khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.

Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), tuyến số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.

Các tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến dự án đường vành đai 4 với chiều dài toàn tuyến là 98 km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km). 

Đoạn đi qua Hà Nội nằm trên địa phận các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 135.000 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp giao cho Hà Nội là 20.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025.

Ngoài ra, giai đoạn tới, Hà Nội cũng sẽ tập trung làm đường vành đai 3,5 và vành đai 2,5.

Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 có chiều dài 3,8 km, vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long có vốn đầu tư 2.624 tỷ đồng.

Đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến Pháp - Vân Cầu Giẽ, qua địa phận quận Hà Đông có chiều dài 10,8 km, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng. Công trình dự kiến được xây dựng và hoàn thành từ năm 2022 đến 2026.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Đầm Hồng - Kim Đồng - Lĩnh Nam. Tuyến đường này được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng. Dự kiến, trong giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội sẽ triển khai thi công đoạn từ đường Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng, dài 1,5 km, vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thủ đô sẽ triển khai làm tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội  - Hòa Bình. Dự án có chiều dài 5,5 km, đi qua địa bàn huyện Thạch Thất. Ngoài ra còn có dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển vốn đầu tư khoảng 2.824 tỷ đồng.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Hà Nội còn dự định khởi công xây dựng cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc.

Cầu Thượng Cát nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm. Công trình có chiều dài 4,5 km, vốn đầu tư 9.898 tỷ đồng. Trong khi đó, cầu Vân Phúc nối huyện Phúc Thọ, Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài 4 km, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Còn với TP HCM, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung vào một số dự án trọng điểm như: Dự án vệ sinh môi trường TP HCM (giai đoạn 2); dự án phát triển giao thông xanh TP HCM; dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ (giai đoạn 2); dự án xây dựng đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM (Bến Thành - Tham Lương).

Hải Phòng dành 80% vốn đầu tư công cho các dự án quan trọng

Các tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 4.

Cầu Rào 1 hơn 2.200 tỷ đồng được thông xe hôm 25/1 vừa qua. (Ảnh: Thanh niên).

Báo Hải Phòng dẫn thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của TP khoảng 95.032 tỷ đồng. TP dành 80% số vốn đầu tư công bố trí cho các dự án trọng điểm như vành đai 2, vành đai 3, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, cầu Nghìn 2, cầu Nguyễn Trãi, cầu Rào 3.

Hôm 25/1 vừa qua, Hải Phòng cũng và thông xe kỹ thuật cầu Rào 1. Đây là dự án giao thông trọng điểm của TP Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, có mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Cầu Rào 1 được xây mới ngay vị trí cầu cũ từ ngày 13/10/2020, vượt sông Lạch Tray và nối đường Phạm Văn Đồng và đường Lạch Tray. Cây cầu được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng mạng lưới giao thông kết nối trung tâm TP Hải Phòng với các quận, huyện Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy và đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo kế hoạch, đến tháng 4, việc thi công cầu Rào 1 sẽ xong 100% để khánh thành.

Đồng Nai, Bình Dương cùng chi khoảng 70.000 tỷ đồng cho đầu tư công

Theo kế hoạch, vốn đầu tư công trung hạn tại tỉnh Đồng Nai khoảng 71.979 tỷ đồng, trong đó có một số dự án giao thông đáng chú ý như dự án xây dựng trục trung tâm TP Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn vốn đầu tư 1.985 tỷ đồng; dự án nâng cấp đường 25B đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch ra quốc lộ 51 vốn đầu tư 1.493 tỷ đồng; dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch giai đoạn 1 khoảng 2.961 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có hai dự án về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng có vốn đầu tư lớn là dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt đường ven sông cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Tuấn (TP Biên Hòa) khoảng 3.247 tỷ đồng và dự án về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt đường trục trung tâm TP Biên Hòa – đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến Đặng Văn Trơn khoảng 1.146 tỷ đồng.

Với Bình Dương, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương của tỉnh là hơn 69.562 tỷ đồng. 

Một số công trình trọng điểm kết nối hạ tầng vùng đã được tỉnh bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải kể đến: Đường trục chính Đông – Tây thành phố Dĩ An (660 tỷ), Đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (1.700 tỷ); Hầm chui ngã 5 Phước Kiến (400 tỷ đồng); Hầm chui nút giao Chợ Đình (360 tỷ); cầu kết nối Bình Dương – Tây Ninh (120 tỷ). Nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn để chuẩn bị đầu tư như các dự án trọng điểm: Đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Sông Sài Gòn (12.000 tỷ đồng), Vành đai 4 (9.000 tỷ đồng); Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 (3.000 tỷ đồng); Giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một – Chơn Thành (4.000 tỷ đồng),…

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.