Lo ngại bất cập về BOT với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Sáng 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)”.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, đoạn đường Chơn Thành – Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành.
"Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, tuy nhiên theo kế hoạch trước mắt, chúng ta sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện", đại biểu Hoà nói.
Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng số lượng xe vận tải đi qua tác động đến doanh thu của dự án.
Đại biểu nhắc đến số liệu theo báo cáo của Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải có đề cập đến năm 2030, đoạn tuyến cao nhất từ IC1 đến IC3 mới có là 7.600 xe đi qua trong/ngày đêm. Tính ra như vậy là cả ngày chúng ta chỉ chưa đến 20 xe. Nếu tính bình quân cho 24 tiếng thì mỗi tiếng trên đường cao tốc không có đến một xe ô tô đi qua.
Trường hợp thứ hai là tính đến thời kỳ thu hồi vốn là năm 2045 thì cao nhất là có 23.000 xe, tức là mỗi một ngày đêm cũng không quá 60 xe ô tô đi qua đây. Vì thế, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, đây là những số liệu mà chúng ta cũng cần hết sức là cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.
Cần rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư
Tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Tạo cũng bày tỏ sự thống nhất cao đối với việc Chính phủ quy định đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tạo, hiện tại, thủ tục đầu tư cũng như việc triển khai thủ tục đầu tư dự án chiếm rất nhiều thời gian, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Qua đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, tránh bị kéo dài thời gian. Đồng thời, cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện, chủ động trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, tránh bị trùng lặp.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc, bổ sung các công trình phụ trợ đồng bộ với tuyến cao tốc khi đi vào sử dụng, tránh lặp lại tình trạng như các tuyến cao tốc vừa qua đã được thực hiện.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng đây là dự án cần thiết nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đồng thời, từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đại biểu cho rằng Tây Nguyên không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ nối các nước Thái Lan, Campuchia, Lào với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Do đó Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo cơ hội, biến các nguồn tài nguyên, văn hóa hết sức đa dạng của vùng Tây Nguyên thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.