Trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành tổng vốn 25.540 tỷ đồng
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP HCM.
Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo tờ trình, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối, thu xếp nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả tài chính, Chính phủ đề xuất: giai đoạn phân kỳ đầu tư Dự án với chiều dài khoảng 128,8km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).
Dự án sẽ đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km, bao gồm cả 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100 - 120km/h.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Dự án được tính toán, xác định tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm Vốn nhà nước, vốn nhà đầu tư; chia thành 05 dự án thành phần.
Trong đó, Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT). Các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.
Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án.
Đối với cơ chế chỉ định thầu, Tờ trình đề nghị bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án; cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư…
Xử lý các dự án BOT song hành
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự áncao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành bởi dự án này dự kiến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, để bảo đảm kết nối đồng bộ, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đường cao tốc TP HCM - Chơn Thành đang triển khai đầu tư, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2 km của Dự án theo quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn. Về phương thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư.
Nhằm tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung các cơ sở và giải pháp cụ thể hơn đối với phương án xử lý các dự án giao thông BOT song hành để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Với vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án và 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho Dự án, tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Về tiến độ hoàn thành, chất lượng của Dự án, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, thực tế triển khai các dự án vừa qua cho thấy một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập gặp khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.
Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giao cho các cơ quan đầu mối của các dự án rà soát, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được Quốc hội quyết định. Ngoài ra, cần làm rõ năng lực quản lý Dự án của các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền.