|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất sử dụng vốn Nhà nước để 'gỡ vướng' cho các dự án BOT

08:39 | 19/11/2024
Chia sẻ
Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất phương án bổ sung vào điều khoản chuyển tiếp trong Luật PPP sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ký kết trước năm 2021.

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc bổ sung quy định trong Luật PPP sửa đổi để tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án BOT, theo TTXVN.

Tại văn bản, Bộ GTVT nêu rõ, dự thảo Luật PPP sửa đổi Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung các quy định, đủ cơ sở để thực hiện chấm dứt hợp đồng đối với dự án BOT giao thông nhưng chưa có quy định rõ ràng về giải pháp sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Theo đó, trên cơ sở ý kiến các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, hiện nay Ủy ban Kinh tế đang phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), Bộ GTVT nghiên cứu phương án tiếp thu.

Trong đó, Bộ GTVT đề xuất phương án bổ sung vào điều khoản chuyển tiếp trong Luật PPP sửa đổi đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí dự án BOT giao thông được áp dụng.

Cụ thể, bổ sung tại điều khoản chuyển tiếp: “Đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ký kết hợp đồng trước năm 2021 sử dụng vốn Nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng, Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí dự án BOT được áp dụng”.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, tại thời điểm Quốc hội đang xem xét Luật PPP sửa đổi, phương án bổ sung quy định tại điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật PPP sửa đổi để xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT là phù hợp do chỉ xử lý đối với nhóm dự án BOT giao thông ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực.

Bộ GTVT cũng cho biết, trước đó, thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng, Bộ đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể những khó khăn, vướng mắc của dự án BOT giao thông trong cả nước và xây dựng giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời trình Thường trực Chính phủ về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông.

Để xử lý khó khăn, vướng mắc của dự án BOT giao thông, Bộ GTVT đã đề xuất hai giải pháp: bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ (giai đoạn khai thác) để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng; chấm dứt hợp đồng và bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng có trách nhiệm chia sẻ giảm lợi nhuận, lãi vay bảo đảm hài hòa lợi ích.

Sau đó, Thường trực Chính phủ đã họp và kết luận, trong đó chỉ đạo trường hợp thực sự cần thiết phải trình Quốc hội ban hành nghị quyết thì cần xem xét các dự án đã hoàn thành, nhưng không được thu phí và xác định cụ thể danh mục dự án đã lượng hóa được khó khăn, vướng mắc.

Về lâu dài, Thường trực Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nghiên cứu có giải pháp phù hợp để xử lý các dự án PPP tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng danh mục dự án để hoàn chỉnh Đề án.

Theo kết quả tổng hợp, đến nay, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông trên cả nước (66 dự án do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, 74 dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền), có 11 dự án đã định lượng cụ thể khó khăn, vướng mắc cần được xử lý.

Bên cạnh đó, còn một số dự án tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm doanh thu, chủ yếu do đầu tư đường cao tốc song hành, đường ngang, nhưng chưa thể định lượng được.

Anh My