|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TPBank muốn thu xếp vốn mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

15:21 | 11/02/2025
Chia sẻ
TPBank đã gửi đề xuất tới Bộ Giao thông vận tải về việc trở thành ngân hàng thu xếp vốn cho liên danh nhà đầu tư do tập đoàn Đèo Cả đứng đầu để thực hiện Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đây là thông tin được ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank xác nhận tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng diễn ra ngày 10/2, theo Báo Đầu tư.

Theo ông Đỗ Minh Phú, nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, TPBank sẽ là đơn vị đầu mối làm việc với các tổ chức tín dụng khác, trên cơ sở thông qua hợp vốn với các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, để cùng tham gia tài trợ cấp gói tín dụng cho dự án.

Việc này sẽ được thực hiện khi nhà đầu tư liên danh do tập đoàn Đèo Cả đứng đầu được chọn làm nhà đầu tư của dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Phát biểu tại Hội nghị hường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát sáng 11/2, ông Đỗ Minh Phú cũng cho biết với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc trong năm nay, ngân hàng đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Gần đây, TP Bank đã ký ngay hợp đồng tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.

Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).

Được biết, tính đến ngày 10/2, TPBank đã tài trợ khoảng 8.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông. Trong đó, có hai dự án đường bộ cao tốc do tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư là Hữu Nghị - Chi Lăng và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Trước đó, tập đoàn Đèo Cả đã được Bộ Giao thông vận tải chọn là nhà đầu tư đề xuất Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 38.693 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 5.804 tỷ đồng, dự kiến chiếm 15% tổng mức đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 32.889 tỷ đồng, dự kiến chiếm 85% tổng mức đầu tư.

Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư mở rộng nhằm giảm ùn tắc giao thông và kết hợp với các dự án giao thông khác đang khai thác trong khu vực sẽ thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh miền Tây đi TP HCM, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh thành cả nước, tạo dư địa và động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Theo đề xuất mới nhất của nhà đầu tư, dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 98 km được chia làm hai dự án thành phần.

Cụ thể, dự án thành phần 1 bao gồm mở rộng đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương đạt quy mô 8 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp; mở rộng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (bao gồm đoạn cao tốc cầu Mỹ Thuận 2) đạt quy mô 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 là 42.063 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 gồm giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện 10 - 12 làn xe của đoạn cao tốc TP HCM – Trung Lương theo phương thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư 6.968 tỷ đồng.

Anh My

Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Theo một số nhà phân tích trong nước, thị trường Mỹ chiếm khoảng 13% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên mức thuế mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Trong khi đó, triển vọng với ngành thép năm 2025 vẫn tương đối tích cực.