|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lộ diện nhóm công ty có tỉ suất lợi nhuận khủng nhất sàn chứng khoán

10:48 | 07/11/2019
Chia sẻ
Với nguồn tiền dồi dào và lãi tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp là nhóm có biên lợi nhuận cao nhất trên thị trường chứng khoán.

Đến thời điểm hiện tại, khi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã được công bố thì bức tranh hoạt động kinh doanh quí III cũng dần được thấy rõ. 

Một trong những tiêu chí được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm là khả năng sinh lời của doanh nghiệp, tỉ suất lợi nhuận cho biết doanh nghiệp thu được bao nhiêu lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu.

Đây cũng là tiêu chí nhiều nhà đầu tư sử dụng để lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng cho quá trình đầu tư, vậy nhóm doanh nghiệp nào đang có biên lợi nhuận cao nhất trên thị trường?

Bất ngờ con số biên lợi nhuận khủng của các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp

Thống kê gần 1.700 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, biên lợi nhuận gộp trung bình trong quí III/2019 của các doanh nghiệp đạt 5,1%; trong khi đó biên lợi nhuận sau thuế đạt mức cao hơn với 5,3%.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp (nhóm KCN) dẫn đầu thị trường về khả năng sinh lời trên doanh thu với biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 44,6% và biên lợi nhuận sau thuế trung bình 44,8%.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có biên lợi nhuận sau thuế cao hơn nhiều so với biên lợi nhuận gộp, nguyên nhân là ngoài nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính, các doanh nghiệp phát triển KCN còn có nguồn thu đáng kể từ lãi tiền gửi ngân hàng, với nguồn tiền khổng lồ nhận được do khách hàng trả tiền trước cho các hợp đồng thuê đất lâu năm tại các KCN.

Cái tên đầu tiên phải kể đến là CTCP KCN Cao su Bình Long (Mã: MH3) với biên lãi sau thuế lên tới 98,6%. Quí III/2019, Cao su Bình Long ghi nhận 13,9 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 20,9% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp theo đó tăng trưởng 16,9% lên 7,6 tỉ đồng; biên lợi nhuận đạt 55%.

Ngoài nguồn thu từ hoạt động cho thuê khu công nghiệp, Cao su Bình Long cũng ghi nhận 11,5 tỉ đồng doanh thu tài chính trong quí III, tập trung toàn bộ vào lãi tiền gửi ngân hàng. Nhờ khoản tiền lãi khổng lồ, công ty đạt 13,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 26,8% cùng kì, đồng thời đạt mức biên lợi nhuận khủng như trên.

Tại ngày 30/9, các khoản tiền gửi ngân hàng của Cao su Bình Long chiếm tới 67% cơ cấu tổng tài sản, bao gồm 636,3 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn và 17,4 tỉ đồng tiền gửi dài hạn. Khoản tiền này có được từ nguồn doanh thu chưa thực hiện gần 694 tỉ đồng do khách hàng trả trước để thuê đất khu công nghiệp.

Tương tự Cao su Bình Long, CTCP Phát triển Đô thị và KCN Cao su Việt Nam (Mã: VRG) cũng có khoản tiền gửi chiếm 39,4% cơ cấu tổng tài sản với 216 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn và 33 tỉ đồng tiền gửi dài hạn, qua đó thu về 4,8 tỉ đồng lãi cho vay trong quí III.

Về hoạt động kinh doanh chính, VRG ghi nhận doanh thu thuần 4,2 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 1,9 tỉ đồng, biên lãi gộp đạt 45%; dù vậy qui mô doanh thu của VRG là rất nhỏ. Cộng thêm khoản lãi tiền gửi trên, VRG đạt 3,9 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quí III/2019, theo đó biên lãi ròng cũng lên tới 92,9%.

Trường hợp khác đối với CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC), quí III/2019 doanh nghiệp này đạt biên lợi nhuận gộp 73% với doanh thu thuần 53,9 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 39,5 tỉ đồng. Nhờ có thêm 26,3 tỉ đồng lãi tiền gửi, Nam Tân Uyên ghi nhận 45,4 tỉ đồng lãi sau thuế, biên lãi ròng cũng đạt tới 84,2%.

Trong khi đó, biên lãi ròng của CTCP Cao su Phước Hòa - đơn vị sở hữu 32,85% cổ phần Nam Tân Uyên cũng đạt 80,2% nhờ hoạt động tài chính và hoạt động khác, dù biên lãi gộp chỉ ở mức 33%.

Trong quí III, Phước Hòa ghi nhận doanh thu thuần đạt 589,3 tỉ đồng và lợi nhuận gộp đạt 194 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng gấp 3,5 lần lên 88 tỉ đồng, thu nhập khác cũng tăng gấp đôi lên 323 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 472,5 tỉ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kì năm trước.

pm

Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC quí III/2019 của các doanh nghiệp.

Khác với các doanh nghiệp "rủng rỉnh" tiền mặt ở trên, một số doanh nghiệp khác trong nhóm KCN vẫn đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề dòng tiền, một phần vì diện tích cho thuê đã được lấp đầy nên không còn dư địa tăng trưởng, mặt khác do hoạt động khai thác chưa hiệu quả.

Đơn cử, "ông lớn" về KCN tại miền Bắc là Tổng công ty Phát triển KCN Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) duy trì tỉ trọng tiền mặt tương đương 3,5% cơ cấu tổng tài sản; cùng với đó là vỏn vẹn 2 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Với việc "khát' tiền mặt, doanh nghiệp này đã nhiều lần chậm trễ trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông, thậm chí đầu tháng 4/2019 Kinh Bắc đã bị HOSE nhắc nhở về vấn đề này.

Trong quí III/2019 Kinh Bắc đạt biên lợi nhuận gộp 40% với doanh thu thuần 916,5 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 366,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, do không có khoản lợi nhuận tài chính như các doanh nghiệp ở trên, Kinh Bắc lãi sau thuế 132,2 tỉ đồng, theo đó biên lãi ròng cũng thấp hơn với 14,4%.

Tương tự Kinh Bắc, các doanh nghiệp như Viglacera, KCN Hiệp Phước, Tân Tạo do không có lãi tiền gửi đột biến nên biên lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức trên 10%, dù vậy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này vẫn đạt trên 20%, mức khá cao nếu so sánh với nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường.

Sơn Tùng

Lời giải bài toán: Giao dịch qua quỹ nhàn, lãi nhiều hơn VN-Index nhưng tại sao phát triển chưa nhanh?
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển ngành quản lý quỹ nhưng dữ liệu về tài sản thuộc quyền quản lý (AuM) của các tổ chức vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…