|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 7/11: Áp lực chốt lời gia tăng, VN-Index quay đầu giảm điểm sau 4 phiên tăng liên tiếp

10:36 | 07/11/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 7/11 diễn biến giằng co trong hầu hết thời gian giao dịch, về cuối phiên áp lực bán tăng lên khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán ngày 8/11

Kết phiên, VN-Index giảm 0,88 điểm (0,09%) xuống 1.024,03 điểm; HNX-Index tăng 0,12% lên 106,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,41% lên 56,83 điểm.

Áp lực bán càng tăng mạnh về cuối phiên khiến VN-Index một lần nữa quay đầu giảm điểm, qua đó cắt đứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Độ rộng thị trường phân hóa với 292 mã tăng giá, 312 mã giảm giá và 195 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản cũng tăng mạnh về cuối phiên, tập trung chủ yếu tại giao dịch khớp lệnh. Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 229,4 triệu đơn vị tương ứng giá trị 4.965 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận 1.141 tỉ đồng.

Phiên hôm nay, hai nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng và họ Vingroup bắt đầu có sự phân hóa, việc thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt khiến thị trường chững lại sau 4 phiên tăng điểm. Tại nhóm Vingroup, cổ phiếu VHM có lúc tăng gần 3% lên 102.300 đồng/cp, dù vậy áp lực chốt lời khiến mã này đóng cửa chỉ còn tăng 0,1% lên 99.500 đồng/cp; trong khi đó mã VRE tăng nhẹ còn VIC giảm 0,9%.

Với nhóm ngân hàng, các cổ phiếu EIB, BID, SHB, VBB, VIB, VCB, HDB, TCB tiếp tục giữ trạng thái tích cực, ngược lại các mã CTG, MBB, VPB, STB, NVB quay đầu giảm giá.

Các cổ phiếu thép diễn biến khởi sắc với sự dẫn dắt của HPG, theo đó các mã DTL, HSG, VIS, NKG đều đóng cửa trong sắc xanh.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 0,2 điểm (0,02%) 1.025,11 điểm; HNX-Index tăng 0,1% lên 106,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,35% lên 56,8 điểm.

Thị trường diễn biến giằng co trong thời gian giao dịch buổi chiều, các cổ phiếu VHM, BID, HPG, SAB, VCB, MSN, HVN, VRE, MWG là động lực giúp thị trường tăng điểm, dù vậy áp lực bán khiến VIC, VNM, NVL, BVH, PLX, VJC, VPB, MBB giảm giá tác động tiêu cực lên chỉ số.

Nhóm bất động sản vẫn giao dịch sôi động với nhiều mã tăng giá như ITC, LIG, VPH, CEO, DPG, LGL, LCG, NTL, KDH, HDC, DXG.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,49 điểm (0,05%) lên 1.024,4 điểm; HNX-Index giảm 0,07% xuống 106,68 điểm; UPCoM-Index tăng 0,25% lên 56,74 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với khối lượng giao dịch 116,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.529 tỉ đồng; thanh khoản tập trung chủ yếu tại giao dịch khớp lệnh.

Trong phiên sáng nay, áp lực chốt lời khiến các chỉ số có thời điểm quay đầu giảm nhẹ, dù vậy dòng tiền mới tiếp tục gia nhập thị trường đã giúp VN-Index lấy lại sắc xanh. Độ rộng thị trường cũng bớt tiêu cực hơn với 232 mã tăng giá, 289 mã giảm giá và 158 mã đứng giá tham chiếu.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn VHM, BID, VCB, HPG, VRE, SAB, MWG, HVN, MSN, FPT là động lực chính giúp thị trường tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu VHM bật tăng 1,9% và thiết lập đỉnh giá mới tại 101.300 đồng/cp. Cổ phiếu HPG cũng bứt phá 2,7% lên 22.600 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh cao nhất kể từ đầu tháng 9.

Nhóm khu công nghiệp SZL, SZC, KBC, SZC, TIP, BAX, D2D, BCM cũng giao dịch tích cực với kết quả kinh doanh khởi sắc trong quí III. Cùng với đó, các mã midcap nhóm bất động sản ITC, HUT, DPG, CEO, LCG, NTL, TDH, KDH, DXG, SDI khởi sắc góp phần giúp thị trường bớt phần ảm đạm.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 1,57 điểm (0,15%) xuống 1.023,34 điểm; HNX-Index giảm 0,16% xuống 106,58 điểm; UPCoM-Index tăng 0,12% lên 56,67 điểm.

Áp lực chốt lời tăng dần lên khiến các chỉ số nhanh chóng đảo chiều giảm điểm, dù vậy mức độ giảm cũng không đáng kể nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là sự bứt phá của hai cổ phiếu VHM và VRE.

Cổ phiếu HPG cũng bật tăng 1,8% lên 22.400 đồng/cp. Theo tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát, sau 10 tháng đầu năm 2019 doanh nghiệp đầu ngành thép này đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kì năm trước, tiếp tục giữ thị phần lớn nhất Việt Nam.

Tính đến 9h50, VN-Index tăng 0,6 (0,06%) lên 1.025,34 điểm; HNX-Index tăng 0,06% lên 106,82 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11% lên 56,66 điểm.

Sau áp lực bán cuối phiên hôm qua, thị trường chứng khoán phiên 7/11 mở cửa giảm nhẹ tuy nhiên hồi phục ngay sau đó, đồng thời các chỉ số đều giao dịch trong sắc xanh.

Nhóm Vingroup tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường tăng điểm trước những tín hiệu tích cực khi Vinhomes và Vincom Retail sẽ bắt đầu mua cổ phiếu quĩ từ ngày 14/11. Trong đó, cổ phiếu VHM chính thức gia nhập "câu lạc bộ ba chữ số" với việc tăng 0,6% lên 100.000 đồng/cp; hai mã VIC và VRE cũng tăng lần lượt 0,1% và 0,3%.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank - Mã: VBB) được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II, trở thành ngân hàng thứ 14 được áp dụng tiêu chuẩn này; cổ phiếu VBB cũng phản ứng tích cực với việc tăng 0,7% lên 15.100 đồng/cp.

Cùng với đó, các cổ phiếu ngân hàng VCB, BID, VIB, CTG, ACB, VPB, MBB giao dịch tích cực cũng góp phần thúc đẩy chỉ số tăng điểm.

Ngược lại, nhóm dầu khí giao dịch kém sắc sau khi giá dầu thô quay đầu giảm gần 2% do tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh hơn so với dự báo. Cụ thể, các mã PVD, PLX, PVS, PVT, BSR, PVC, PXS, POW, GAS chìm trong sắc đỏ, riêng PVB ngược chiều tăng 2,1%.

Các nhóm cổ phiếu còn lại như cao su, chứng khoán, dệt may, khu công nghiệp, thép, cảng biển nhìn chung diễn biến phân hóa với tâm lí thận trọng khi thị trường đã có nhiều phiên tăng liên tiếp.

Trên thị trường thế giới, chứng khoán Mỹ sau khi liên tục phá đỉnh cũng bắt đầu chững lại trong phiên 6/11 khi nhà đầu tư lo ngại hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể kí kết thỏa thuận thương mại trong tháng này như dự tính.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm chỉ 0,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,16 điểm. Nasdaq Composite giảm gần 0,3% còn 8.410,63 điểm khi các đại gia công nghệ như Amazon, Microsoft, Apple và Facebook cùng đi xuống.

Sơn Tùng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.