[Live] Xử đại án VNCB sáng 11/1: Bị cáo Phan Thành Mai trần tình nguyên nhân sai phạm
11h15: Tòa kết thúc phiên sáng
Toà thông báo cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt đối với bà Lâm Kim Thu, ông Trần Sơn Nam và Hoàng Kim Văn Toàn (nguyên lãnh đạo ngân hàng Đại Tín)
11h 12: Bị cáo Bùi Thị Hà Thu lên bào chữa bổ sung
Bị cáo Bùi Thị Hà Thu xin HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo và cho bị cáo hưởng án treo.
11h: Bị cáo Mai Hữu Khương bổ sung phần bào chữa của luật sư
Bị cáo Khương đồng ý phần bào chữa của luật sư, và xin bổ sung thêm 3 vấn đề.
Thứ nhất, nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả của ngân hàng Đại Tín là do huy động 12.000 tỷ đồng từ người dân. Đây là quả bom nổ chậm mà các cổ đông cũ để lại cho bị cáo Phạm Công Danh.
Thứ hai, thời điểm bị cáo Phạm Công Danh tiếp quản ngân hàng thì đã bị cuốn vào vòng xoáy chăm sóc khách hàng, dưới áp lực chăm sóc khách hàng, bị cáo Danh phải cứu ngân hàng này.
Thứ ba, từ khi bị cáo Danh tiếp quản vào năm 2012, ngân hàng không hề xảy ra sự cố gì, bản thân ông Danh đã phải bỏ tiền túi ra để cứu ngân hàng. Bị cáo cho rằng bản án sơ thẩm quy kết nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, nợ của ngân hàng là do ông Phạm Công Danh là không đúng.
Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, quan điểm của VKS đã lập luận hoàn toàn khác với bản án sơ thẩm. Bị cáo cảm ơn và rất đồng quan điểm với đại diện VKS. Đây là việc cho vay cá nhân giữa ông Danh và ông Trần Quý Thanh. Bên cạnh đó, bị cáo rất đồng tình với quan điểm của VKS về kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc cho vay giả tạo là lợi ích về kinh tế và rủi ro về pháp lý. Với cách làm, việc gửi sổ tiết kiệm, sau đó vay ngân hàng rồi cho ông Danh vay. Tổng số tiền bà Bích hưởng sẽ là 61%/năm. Đây là động cơ lợi ích kinh tế của bà Bích.
Chính 2 yếu tố về lợi ích và rủi ro pháp lý mà bà Trần Ngọc Bích đã tạo ra để ép ngân hàng thực hiện. Đây là sự chủ mưu của ông Trần Quý Thanh và bà Bích.
Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo là đồng phạm cùng với ông Phạm Công Danh trong việc cho vay giả tạo, bị cáo phản bác điều này vì bị cáo không đồng phạm với ông Danh trong việc này. Đây là động cơ tạo ra hợp đồng giả tạo của bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh để ép bị cáo cùng ông Danh ký.
Đồng thời, bị cáo cũng xin khẳng định lại là bị cáo không đồng phạm với bà Bích và ông Trần Quý Thanh. Bị cáo cũng không bỏ mặc hậu quả xảy ra và cũng không vi phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước.
Bị cáo đề nghị HĐXX thu hồi lại số tiền từ bà Trần Ngọc Bích vì đây là khoản tiền bất chính từ việc tạo hợp đồng giả tạo.
10h 30: Luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Hà Thu
Luật sư Tâm tiếp tục bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Hà Thu, Giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương. Bị cáo Bùi Thị Hà Thu đã bị toà sơ thẩm tuyên mức án 3 năm tù, bị cáo Thu đã có đơn kháng cáo và xin giảm xuống án treo.
Bị cáo Thu chỉ là người đứng tên giùm cho tập đoàn Thiên Thanh, nên trong khoản vay 2.800 tỷ đồng của ngân hàng VNCB, bị cáo Thu đứng tên công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh nhưng không điều hành công ty. Vì vậy, bị cáo vô tội trong khoản vay này. Đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ và áp dụng mức án treo cho bị cáo Bùi Thị Hà Thu.
10h 5: Toà tiếp tục phiên xét xử, luật sư bào chữa cho bị cáo Khương nêu quan điểm
Bị cáo Mai Hữu Khương (Ảnh: Văn Dũng) |
Luật sư Trịnh Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương lên tham gia bào chữa. Theo luật sư Tâm, bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Khương 20 tù, bị cáo Mai Hữu Khương đã có đơn yêu cầu kháng cáo bản án và đề nghị xem xét lại hành vi của bị cáo trong khoản vay 5.190 tỷ đồng. Bị cáo Khương yêu cầu HĐXX xem xét và giảm án cho bị cáo.
Luật sư Tâm cho rằng bị cáo Khương chưa có hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về 2 khoản vay 5.190 tỷ đồng và 3.100 tỷ đồng. Luật sư khẳng định bản án sơ thẩm đã có sự nhầm lẫn về hành vi của bị cáo Khương. Cáo trạng xác định các bị cáo đã ký vào biên bản họp HĐQT, theo lời khai của bị cáo Phan Thành Mai tại phiên toà này là việc ký biên bản là nhằm để hợp thức hoá.
Luật sư Tâm yêu cầu HĐXX xem xét lại bản án sơ thẩm mà toà đã tuyên đối với bị cáo Khương, LS cho rằng bị cáo Khương đã bị oan trong vụ án này. Đối với khoản vay 5.190 tỷ đồng, bị cáo Khương không có liên quan. Kính mong HĐXX xem xét lại.
Khi Mai Hữu Khương chưa về làm giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn, thì khoản vay 5.190 tỷ đồng đã được thực hiện trước đó.
Việc không thu thập về mối quan hệ vay giữa ông Danh và ông Trần Quí Thanh là sự bất lợi cho bị cáo Mai Hữu Khương.
Bị cáo Khương làm việc cho tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2012, việc soạn thảo các văn bản là do cấp trên chỉ đạo. Vai trò của bị cáo Khương chỉ là người làm thuê.
Nhân thân gia đình bị cáo Khương tốt, bị cáo có vợ và 2 con nhỏ, bản thân bị cáo chưa hề phạm tội. Ông nội bị cáo là liệt sĩ, cha của bị cáo là cán bộ do thành uỷ TP HCM quản lý, được tặng thưởng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vào năm 2010.
Vai trò của bị cáo Khương chỉ là đồng phạm, làm việc theo chỉ đạo của cấp trên nên luật sư Tâm kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Về khoản vay 5.190 tỷ, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét thêm để sửa tội và giảm án cho bị cáo Khương.
9h 30: Tòa tạm nghỉ giải lao
9h 25: Bị cáo Phan Thành Mai tự bào chữa bổ sung
Bị cáo Phan Thành Mai (Ảnh: Văn Dũng) |
Vì sao bị cáo và anh Danh trước đây là những công dân đàng hoàng mà nay là những người phạm tội? Thực tế theo phương án tái cơ cấu thì ngân hàng có số tiền 2.000 tỷ đồng nhưng khi bị cáo tiếp quản ngân hàng thì số tiền âm 5.000 tỷ đồng. Đến khi bị cáo bị bắt là âm 18.000 tỷ đồng. Do nợ xấu của nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang, do chi trả cho khách hàng chiếm 90% số tiền lãi 6 tỷ/ngày. Đây là số tiền chiếm nhiều nhất gây tổn thất cho ngân hàng.
Năm 2011 bị cáo gặp anh Danh là một người đầy nhiệt huyết với mong muốn xây dựng một ngân hàng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Năm 2011 thì tổng số tài sản của Thiên Thanh là 1.000 tỷ đồng. Bị cáo nêu ra điều này nhằm chứng minh những khó khăn mà bị cáo và anh Danh phải gặp phải.
Trước khi tiếp quản ngân hàng thì nhóm Phú Mỹ đã khiến ngân hàng âm tiền rất lớn nhưng anh Danh phải bỏ ra 4.600 tỷ đồng để tiếp quản. Năm 2012 anh Danh bỏ ra 2.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động của ngân hàng. Việc này nó tự rơi vào đầu anh Danh và các bị cáo chứ không ai muốn, những áp lực nhằm duy trì hoạt động của ngân hàng.
Áp lực lớn nhất đầu năm 2013 là anh Danh phải bán một số tài sản nhưng chưa bán được hết. Ông Trần Quý Thanh xuất hiện thì anh Danh phải vay tiền để trả ngoài và phụ thuộc vào khách hàng. Toàn bộ số tiền 5.190 tỷ đồng được hình thành từ khoản vay ban đầu, tới năm 2014 không đủ khả năng việc chi trả lãi ngoài cũng như lãi sổ tiết kiệm. Nhưng anh Danh nói đây là cam kết của anh Danh và ông Thanh, việc này cho thấy anh Danh phải chi trả một số tiền rất lớn.
Việc chuyển giao ngân hàng giữa nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh đã gặp trục trặc từ năm 2013 bởi nhóm Phú Mỹ không chuyển giao tài sản cho nhóm cổ đông mới, do một số cổ đông không đồng ý việc chuyển nhượng.
Về việc tăng vốn điều lệ, đây là áp lực đối với nhóm cổ đông mới bởi chi phí chăm sóc khách hàng, chi phí trả tiền cho nhóm Phú Mỹ, cho ông Trần Quý Thanh, đây là áp lực quá khủng khiếp đối với nhà đầu tư.
Bị cáo hiện đang phải đối mặt với bản án 22 năm tù thì bị cáo chỉ muốn nói ra nguyên nhân dẫn tới những sai phạm của mình.
9h 10: Luật sư yêu cầu HĐXX xem xét được - mất trong việc thuê mặt bằng Sư Vạn Hạnh
Việc chuyển trụ sở nằm trong đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép, nhu cầu chuyển trụ sở và chuyển là có thật. Bản án sơ thẩm xác định số tiền chi để thuê bằng 816 Sư Vạn Hạnh là bất hợp lý. Vậy như thế nào là hợp lý?
Mặt bằng đầu tư là có thật hiện nay đang được ngân hàng CB sử dụng, vậy số tiền này có được xác định là thiệt hại đã mất đi hay không? Nếu xác định bị cáo Phan Thành Mai gây hậu quả thiệt hại thì yêu cầu HĐXX xem xét rõ ai là người được, người mất trong việc thuê mặt bằng. Những sai trái các bị cáo gây ra trong đó có Phan Thành Mai là chưa toàn diện.
Bản án sơ thẩm xác định số tiền Phạm Công Danh cho 14 công ty vay là 5.000 tỷ đồng, trong đó đã tất toán 300 tỷ đồng trừ đi số tiền thế chấp đảm bảo thì còn hơn 2.095 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Do đó các bị cáo phải chịu trách nhiệm với những khoản nói trên. Bản án sơ thẩm chưa xác định rõ giữa thiệt hại và trách nhiệm dân sự.
Trong hai khoản vay của công ty nhà Quốc Thịnh và Thành Công, bị cáo Phan Thành Mai không tham gia vì vậy cần phải tách những khoản vay này ra khỏi trách nhiệm của bị cáo Mai.
Bản án sơ thẩm xác định gia đình bị cáo Mai có nhiều đóng góp tích cực đối với cách mạng nhưng vẫn còn sót rất nhiều như huân chương lao động của bố bị cáo, bố vợ của bị cáo được tặng huân chương quân công, trong quá trình làm việc bị cáo Mai được tặng nhiều bằng khen. Vì vậy kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Phan Thành Mai giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là có căn cứ.
9h: Luật sư nêu không có căn cứ xem xét vai trò của bị cáo Mai
Theo luật sự, để xác định tội của bị cáo Danh thì bản án sơ thẩm dựa vào bị cáo Mai là thành viên của HĐQT, điều này thiếu căn cứ. Bởi các bị cáo trong vụ án này xác định không có yêu cầu của bị cáo Mai, cũng như có xuất hiện biên bản họp biên bản khống mà không có họp HĐQT về việc giải ngân số tiền trên là suy đoán buộc tội không đúng với quy định của pháp luật.
Mối quan hệ nhân quả cần xem xét toàn bộ để xem xét những sai phạm. Liên quan tới số tiền 5.490 tỷ đồng chữ ký của HĐQT có thể thay thế chữ ký của khách hàng hay không? Ai cũng biết là không, hay việc Phan Thành Mai giả mạo chữ ký của Trần Ngọc Bích nên không có căn cứ xem xét vai trò của Phan Thành Mai.
8h 50: Luật sư bào chữa cho Phan Thành Mai đề nghị xem xét vai trò đồng phạm của thân chủ
Nội dung đánh giá thiệt hại của vụ án mà đại diện VKS thông qua giống với hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, có lẽ vì lý do đó mà VKS đề nghị bác đơn kháng cáo của Phan Thành Mai.
Tại phiên tòa hôm nay luật sư nêu ra một số tiết tiết mới. Cụ thể, bị cáo Phan Thành Mai được xác định là đồng phạm giúp sức vì vậy cần xem xét toàn bộ hoàn cảnh nguyên nhân phạm tội của Phạm Công Danh từ đó mới xem xét được vai trò của Phan Thành Mai, để tránh oan sai trong tố tụng.
Tội vi phạm quy định cho vay và cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ án này cần xem xét hậu quả thiệt hại những khoản vay không có khả năng thu hồi. Ngay khi số tiền rút ra khỏi ngân hàng thì tội phạm đã hình thành về hành vi xác định như vậy là chưa đúng. Xuất phát từ sai lầm này nên bản án sơ thẩm xác định thiệt hại còn nhiều bất cập.
Bị cáo Phan Thành Mai bị xét xử với vai trò đồng phạm vậy trước hết cần phải xét tất cả hành vi của bị cáo Danh. Hành vi rút 5.190 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng và khoản vay 300 tỷ không có chữ ký của khách hàng. Trước đó luật sư bào chữa cho bị cáo Danh có trình bày những khoản này không có thiệt hại bởi ngân hàng đang giữ 124 sổ tiết kiệm số tiền trong những sổ tiết kiệm này còn lớn hơn số tiền 5.490 tỷ đồng rất nhiều.
Hồ sơ xác định việc vay tiền không cần xin phép ý kiến của hội sở, các bị cáo khác cũng xác định do bị cáo Danh đáp ứng cho nhóm khách hàng này, việc này không liên quan tới bị cáo Phan Thành Mai. Bị cáo Mai không có chỉ đạo ai như thế nào về việc liên quan tới số tiền 5.490 tỷ đồng. Không có cơ sở xác định Phan Thành Mai liên quan tới số tiền này bởi đến khi bị bắt thì Phan Thành Mai mới biết vụ việc. Khi thực hiện mọi giao dịch tới khoản tiền này thì bị cáo Mai không hay biết.
8h 15: Phiên tòa bắt đầu
Mở đầu phiên tòa bị cáo Phạm Công Danh kiến nghị triệu tập ông Luận (đại diện nhóm Phương Trang). Theo bị cáo Danh, nhóm Phương Trang là đang là nhóm nợ lớn của ngân hàng.
Bị cáo Danh yêu cầu tiếp tục kê biên tại thị trấn Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu) nhằm khắc phục hậu quả; Yêu cầu bán lô đất tại sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng.
Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Văn Dũng) |
Tóm tắt phiên tòa ngày 10/1
Xử đại án VNCB sáng 10/1: VKS đề nghị y án 30 năm tù với Phạm Công Danh Xử đại án VNCB chiều 10/1: Tiếp tục phần tranh luận, bào chữa cho các bị cáo
Tại phiên tòa ngày 10/1, Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo, sau đó diễn ra phần tranh tụng.
Trong phiên sáng, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án với các bị cáo, trong đó giữ nguyên tội danh như án sơ thẩm đã tuyên: y án 30 năm tù với Phạm Công Danh. Đồng thời Viện Kiểm sát kiến nghị khởi tố nhiều người, trong đó có ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích.
Không chấp nhận kháng cáo từ bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh về việc thu hồi tiền.
Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Bài Phục.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích dùng số tiền trong 8 sổ tiết kiệm để thu hồi nợ, kê biên tài sản gắn liền với đất.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Kim Chi kê biên 3 căn nhà, đất.
Không chấp nhận kháng cáo quyền lợi của nhiều người liên quan vi phạm quy định cho vay liên quan các thành viên trong Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín.
Chấp nhận 1 phần kháng cáo của Phạm Công Danh, sửa 1 phần bản án theo hướng thu hồi số tiền từ các ông bà Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích, Hứa Thị Phấn.
Đề nghị kiến nghị cơ quan cánh sát điều tra, VKSND tối cao tiếp tục làm rõ 405 tỷ đồng mà bà Trần Ngọc Bích đã nhận nhằm truy thu thuế thu nhập cá nhân.
Đề nghị kiến nghị Bộ Công an cấm xuất cảnh với những người có liên quan.
Đại diện VKSND cấp cao đề nghị HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo. Bác kháng cáo của những người có quyền lợi liên quan, chấp nhận một phần kháng cáo của phạm Công Danh về số tiền Danh chuyển cho Thanh 500 tỷ, thu hồi 81,1 tỷ đồng là tiền lãi.
Kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với ông Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích, Vũ Như Thảo, Trần Trọng Nghĩa trong việc rút 5.190 tỷ đồng.
Kiến nghị cơ quan điều tra VKSND tối cao cần làm rõ tiền lãi trong giải đoạn 2, cần làm rõ số tiền ông Trần Quý Thanh cho Phạm Công Danh vay 16.000 tỷ đồng để xem xét truy thu thuế.
Tại phiên chiều, luật sư Nguyễn Văn Trung bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã đưa ra nhiều lý lẽ, dẫn chứng biện hộ cho thân chủ. Bản thân bị cáo Danh tự bào chữa bổ sung cũng nêu xin tự khắc phục hậu quả vụ án, đồng thời cho biết không chỉ đạo ai dưới bất cứ ai thực hiện việc rút tiền.
Bắt, di lý ngay trong đêm 2 nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín