|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu Fed tăng lãi suất lên trên 5% có hủy hoại nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ?

08:16 | 19/04/2023
Chia sẻ
Giám đốc của Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng dù Fed có kéo lãi suất lên 5% hoặc hơn. Một số chuyên gia khác cho rằng nếu Mỹ suy thoái thì giai đoạn này cũng chóng qua và không nghiêm trọng.

(Hình minh họa: MarketWatch/iStockphoto). 

Các nhà đầu tư đang phải tìm cách trả lời một câu hỏi lớn là nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên 5% hoặc hơn, liệu điều đó có phá vỡ nền kinh tế và giá chứng khoán?

Sau khi lao dốc nặng nề vào năm ngoái, chứng khoán Mỹ đã bật tăng trong đầu năm 2023. Tâm lý lạc quan được cho là xuất phát từ nhận định Fed sẽ phải giảm lãi suất trong năm nay để ngăn chặn suy thoái, đảo ngược một trong những chiến dịch tăng lãi suất nhanh chóng nhất trong lịch sử.

 

Song, phe bi quan, bao gồm tỷ phú quỹ đầu cơ Paul Singer, cảnh báo các nhà đầu tư không nên mong đợi kịch bản trên. Ông Singer cho rằng suy thoái và việc các điều kiện tín dụng bị thắt chặt có thể là thứ cần thiết để loại bỏ bong bóng nguy hiểm trên thị trường sau kỷ nguyên lãi suất thấp.

Hoặc, tương lai sẽ không thay đổi đáng kể so với hiện nay. Đó là một kịch bản khác mà nhà đầu tư có thể cân nhắc.

Ở kịch bản này, thị trường tín dụng có thể chịu đựng mức lãi suất từng phổ biến trước năm 2008. Lãi suất chính sách của Fed có thể lên cao hơn chút ít so với phạm vi 4,75-5% hiện tại, và duy trì ở mức đó trong một khoảng thời gian.

Ông Ben Snider, Giám đốc cấp cao tại Goldman Sachs, khẳng định với tờ MarketWatch: “Lãi suất lên 5% sẽ không phá vỡ thị trường”.

Vị giám đốc cho biết nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã tái cấu trúc các khoản nợ cũ trong đại dịch và giảm chi phí vay nợ xuống mức thấp kỷ lục. Do đó, “họ sẽ tiếp tục được tận hưởng môi trường lãi suất thấp”, ông nhận định.

Ông Snider nói thêm: “Quan điểm của chúng tôi là Fed có thể duy trì lãi suất ở mức 5%. Nền kinh tế vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng”.

Tập trung vào biên lợi nhuận

 

Fed và các ngân hàng trung ương khác đã tăng mạnh lãi suất sau đại dịch để chống lại lạm phát. Hôm 14/4, Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo rằng lãi suất có thể cần được kéo lên cao hơn mức dự kiến của thị trường để kìm hãm đà tăng của chi phí sinh hoạt.

Sự gia tăng đột ngột của lãi suất đã gây ra những khoản lỗ nặng nề trong danh mục của các nhà đầu tư trong năm 2022. Lãi suất gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng SVB sụp đổ. Biến cố của nhà băng này đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro trong hệ thống ngân hàng Mỹ và nỗi lo thắt chặt tín dụng.

Ông David Del Vecchio, đồng trưởng bộ phận trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư của Mỹ tại công ty PGIM Fixed Income, nhận xét: “Lãi suất hiện nay đúng là cao hơn so với ngoái và thập kỷ trước. Nhưng nếu nhìn vào khoảng thời gian dài hơn, thì lãi suất không đến nỗi quá cao như mọi người nghĩ”.

Nhóm chuyên gia dưới quyền ông Del Vecchio dự kiến trong thời gian tới, lạm phát vẫn sẽ cao hơn mục tiêu 2% của Fed, và chi phí đi vay của doanh nghiệp cũng sẽ lên cao hơn. Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy những dấu hiệu đầy hy vọng rằng nhiều doanh nghiệp lớn sẽ ở trong vị thế vững vàng nếu suy thoái xảy ra trong tương lai gần.

Ông Del Vecchio nói: “Biên lợi nhuận doanh nghiệp đang giảm, nhưng thực chất là chúng chỉ đi xuống từ mức đỉnh. Do đó biên lợi nhuận vẫn rất, rất mạnh mẽ”.

 

 

Suy thoái luân phiên

Bất cứ ai cũng có thể nghĩ ra hàng loạt lý do khiến chứng khoán Mỹ lao dốc trong năm 2023. Các đợt sa thải quy mô cực lớn có thể xuất hiện, hoặc rắc rối với núi nợ bất động sản thương mại sắp đáo hạn có thể khiến nền kinh tế chao đảo.

Nhóm của ông Snider tại Goldman Sachs dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ kết năm 2023 ở ngưỡng 4.000, thấp hơn chút ít so với mức đóng cửa ngày 14/4 là 4.137 điểm. Ông thừa nhận: “Kịch bản của chúng tôi khó có thể coi là tích cực, nhưng chắc chắn là không tệ như suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư”.

Ông Austin Graff, Giám đốc đầu tư của Opal Capital, dự đoán một số công ty dùng đòn bẩy cao và sắp phải thanh toán nợ có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, ông cho rằng nền kinh tế “sẽ không lao đầu vào suy thoái. Nhiều khả năng suy thoái sẽ diễn ra chậm chạp trong bối cảnh doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng và giảm chi tiêu, gây ra tác động lan tỏa trong nền kinh tế”.

Nhóm của ông Del Vecchio tại PGIM cho rằng nếu suy thoái thực sự xảy ra thì cũng sẽ chóng qua và không nghiêm trọng. Ông nói rằng sự sa sút có thể diễn ra “luân phiên” giữa các bộ phận khác nhau của nền kinh tế thay vì đồng loạt.

Giang