Lí do startup công nghệ Việt vẫn hấp dẫn bất chấp đại dịch COVID-19
Ra đời vào năm 2017, Access Ventures là công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc. Ở Việt Nam, danh mục đầu tư của Access Ventures bao gồm nhiều cái tên ấn tượng như Abivin (vô địch Startup World Cup 2019), nền tảng mua vé xe Vexere và Moca (nền tảng thanh toán về tay Grab năm 2018).
Mới đây, ông Charles Rim, đối tác sáng lập của Access Ventures, đã có những chia sẻ về cách startup có thể vượt qua khủng hoảng COVID-19 và vì sao các startup công nghệ Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong tương lai gần.
Cơ hội tiềm ẩn trong khủng hoảng
"Cuộc khủng hoảng này tạo ra cơ hội học hỏi cho tất cả những người sáng lập startup", ông Charles Rim bình luận. Người đứng đầu Access Ventures nói thêm rằng đây là lần đầu tiên kinh tế đi xuống một cách rõ rệt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. "Nó khiến các nhà sáng lập duy trì sự tập trung", ông nhấn mạnh.
Lời khuyên chính mà quỹ Access Ventures đưa ra là các startup nên duy trì tiền mặt, trong lúc tình hình gọi vốn có thể sẽ còn khó khăn trong vài quý tới. Khi làn sóng đầu tư trở lại, cách startup quản trị và vượt quan cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ là một yếu tố mà các nhà đầu tư lưu tâm.
Theo ông Rim, với những công ty không còn đủ lượng tiền mặt cho một năm hoạt động và đang dự tính mất vài quý doanh thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, các biện pháp cứng rắn hơn như cắt lương hay giảm nhân sự là thứ họ phải tính đến.
"Vì chúng ta đang chìm sâu trong khủng hoảng, tôi cho rằng startup nên bớt tập trung vào gọi vốn và quan tâm nhiều hơn đến thực thi và tiết kiệm chi phí", theo Rim. Ông cho rằng đây là khoảng thời gian phù hợp để các startup thực hiện các thay đổi mang tính chiến lược vốn khó thực hiện trong điều kiện tích cực hơn.
Với các startup gọi vốn trong giai đoạn này, các nhà đầu sẽ "mở lòng" hơn với các công ty có thể vận hành tinh gọn và có nguồn tiền mặt đủ duy trì.
Startup Việt Nam vẫn hấp dẫn
Người đứng đầu Access Ventures cho rằng COVID-19 đã xóa nhòa nhu cầu tiêu dùng, mọi ngành và lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Song đây là thứ sẽ quay trở lại và sẽ có những nhu cầu dồn nén để được đáp ứng.
Bên cạnh đó, COVID-19 cũng thúc đẩy nền kinh tế số và công nghệ. Trong đó, thể thao điện tử, thương mại điện tử, giáo dục và y tế sẽ là những lĩnh vực cụ thể hưởng lợi. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng đã để lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống y tế toàn cầu và nhiều cơ hội đang tới.
Khách hàng sẽ chuyển dịch trực tuyến không chỉ với lĩnh vực thương mại điện tử mà còn cho nhiều dịch vụ thiết yếu khác như y tế hay giáo dục.
Về đầu tư, ông Charles Rim lạc quan rằng dòng vốn sẽ không rút. Khi khủng hoảng chấm dứt, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc thêm yếu tố rủi ro quốc gia, hay cách thức chính phủ kiểm soát khủng hoảng.
"Tôi tin khi dịch bệnh qua, và chính phủ Việt Nam đã có thể kiểm soát tình hình rất hợp lí, sự hấp dẫn của Việt Nam không hề thay đổi", ông Charles Rim nhận định.
Access Ventures nhấn mạnh mong muốn đầu tư và các công ty có giá trị cốt lõi. Những giá trị này không nhất thiết phải là khả năng tạo ra lợi nhuận và doanh thu. Chúng có thể là khả năng tạo ra sản phẩm.
Người đứng đầu Access Ventures nhấn mạnh khủng hoảng không những không làm thay đổi nguyên tắc mà còn giúp nhà đầu tư có thêm nhiều dữ liệu hữu ích, ví dụ như mức độ chịu đựng rủi ro của startup trước những cuộc khủng hoảng.