Nguy cơ lạm phát toàn cầu thêm trầm trọng vì một lệnh cấm của Indonesia
Tổng thống Joko Widodo tuyên bố hôm 22/4 rằng Indonesia sẽ dừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu ăn và cả nguyên liệu thô để sản xuất chúng “cho đến khi có thông báo tiếp theo”. Lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực vào ngày 28/4.
Theo CNN, động thái hạn chế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia có thể khiến khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn và làm hàng trăm loại sản phẩm tiêu dùng tăng giá.
Ông James Fry, chủ tịch công ty tư vấn LMC International cho biết quốc gia Đông Nam Á này là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, và tuyên bố của ông Widodo khiến giá tăng một cách “điên cuồng”. Hợp đồng tương lai dầu cọ thô tại Malaysia, được dùng làm thước đo cho giá cả quốc tế, đã tăng gần 7%.
Cú sốc và giá có chút dịu đi sau khi Reuters và Bloomberg đưa tin rằng chính phủ sẽ loại trừ dầu cọ thô khỏi danh sách hạn chế. Bộ Nông nghiệp Indonesia chưa trả lời yêu cầu bình luận từ phía CNN.
Tuy nhiên, các hạn chế vẫn bao gồm dầu cọ olein, loại sản phẩm tinh chế từ dầu cọ thô, được dùng trong nấu ăn và mỹ phẩm và chiếm từ 40 đến 50% khối lượng xuất khẩu của Indonesia.
Dầu cọ là gì?
Dầu cọ là loại nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong thực phẩm, mỹ phẩm và đồ gia dụng. Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) ước tính rằng dầu cọ được sử dụng trong khoảng 50% các loại thực phẩm đóng gói tại siêu thị. Dầu cọ có thể được tìm thấy trong son môi, xà phòng, chất tẩy và thậm chí cả kem.
Loại hàng hóa này cũng được sử dụng để nấu ăn tại nhiều nước, bao gồm cả Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu cọ lớn nhất. Ông Fry cho biết, giá của nhiều sản phẩm nhà bếp, ví dụ như dầu, mì ăn liền, snack, các loại bánh và bơ thực vật có thể tăng khi lệnh hạn chế xuất khẩu có hiệu lực.
Giá dầu cọ đã chịu áp lực sẵn sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Thị trường cố gắng tìm nguồn thay thế cho dầu hướng dương đang kẹt tại các cảng ở Biển Đen. Ukraine là một nhà sản xuất dầu hướng dương quan trọng, tuy nhiên mọi thứ đã bị “Nga đảo lộn hoàn toàn”, ông Fry cho biết.
“Chúng ta đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn”, ông nhắc đến các yếu tố như hạn hán ở Nam Mỹ và Canada, nguồn cung hạn chế của dầu đậu nành và dầu hoa cải.
Ai sản xuất nhiều dầu cọ nhất?
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ số một thế giới, chiếm 59% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2021. Malaysia và Thái Lan lần lượt chiếm 25% và 4% sản lượng toàn cầu. Colombia, Nigeria và Guatemala cũng là những nhà sản xuất lớn.
Một số nhà phân tích cho rằng Malaysia có thể hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng, tuy nhiên nước này cũng đang đối mặt với vấn đề nguồn cung. Ông Sathia Varqa, đồng sáng lập Palm Oil Analytics, cho biết Malaysia đang thiếu hụt lao động kể từ sau đại dịch.
“Hàng tồn kho đang ở mức thấp nhất trong lịch sử tại Malaysia”, các nhà phân tích viết trong một lưu ý vào hôm 22/4.
Vì sao hạn chế xuất khẩu?
Tổng thống Indonesia cho biết quyết định cấm nhập khẩu nhằm “đảm bảo nguồn cung dầu ăn trong nước” và giữ giá cả ở mức hợp lý.
Theo hãng thông tấn nhà nước Antara, người dân quốc gia này gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các mặt hàng thiết yếu trong bếp do giá dầu cọ toàn cầu tăng cao, khiến cho nhà nước phải tiến hành trợ cấp.
Indonesia đã đưa ra các biện pháp khác để đảm bảo nguồn cung trong nước. Theo USDA, vào tháng 1, chính phủ đưa ra quy định buộc những nhà xuất khẩu sản phẩm từ dầu cọ phải bán 20% tổng lượng xuất khẩu cho thị trường trong nước. Giá bán lẻ dầu ăn sau đó đã được “giới hạn” ở mức 14.000 rupiah Indonesia (0,9 USD)/lít.
Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn dai dẳng và buộc chính phủ phải hành động quyết liệt hơn vào tuần trước.
Các nhà phân tích cho rằng Indonesia đang muốn đảm bảo sẽ có đủ nguồn cung dầu ăn cho lễ hội Hồi giáo Eid, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan. Indonesia là quốc gia có nhiều người theo đạo Hồi nhất trên thế giới.
“Lạm phát cho mọi người”
Theo ông B V Mehta, Giám đốc điều hành của Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ, New Delhi phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu thực vật và đã chịu ảnh hưởng từ đợt thiếu hụt gần đây.
Ông cho biết rằng nhiều người đã lựa chọn các nguyên liệu khác như dầu cải hoặc dầu lạc do giá dầu hướng dương và dầu cọ tăng cao. Ông Mehta đang vận động chính phủ Ấn Độ tăng cường sản xuất những loại hàng hóa này do “khủng hoảng” an ninh lương thực.
“Giá cao trong hai năm qua đã dạy chúng tôi phải tự tăng sản phẩm và sản lượng. Tình hình ở Ukraine và Indonesia đã dạy cho Ấn Độ một bài học”.
Theo Bloomberg, ông Atul Chaturvedi, chủ tịch Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ cho biết quyết định của Indonesia mang đến “lạm phát cho tất cả mọi người”. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 45% dầu cọ từ Indonesia.
Ông Tobin Gorey, chiến lược gia nông sản tại Commonwealth Bank of Australia cho biết động thái này là “một trong những hành động lớn nhất của chủ nghĩa dân tộc nông nghiệp cho đến nay trong thời kỳ giá lương thực tăng vọt”.
Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), giá thực phẩm toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất lịch sử trong tháng 3. Báo cáo của FAO cho biết, “xung đột tại khu vực Biển Đen gây ra cú sốc cho thị trường các loại ngũ cốc và dầu thực vật”.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO ước tính giá cả của một giỏ hàng thực phẩm trên toàn cầu đã tăng 33,6% kể từ tháng 3/2021.
Trong báo cáo hôm 22/4, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đang “đổ thêm dầu vào lửa”.
Các nhà phân tích viết: “Đây là một lời nhắc nhở về mức độ dễ tổn thương của chuỗi cung ứng nông sản trong một môi trường khi mà hàng tồn kho vốn đã hạn chế, cộng thêm sự mất mát vô thời hạn của khối lượng xuất khẩu từ Ukraine và chi phí sản xuất cao trong lịch sử”.
Theo một cách nào đó, thế giới đã dựa vào dầu cọ từ Indonesia để "lấp đầy khoảng trống" do những gián đoạn khác để lại. "Và Indonesia đột ngột chặn dòng chảy đó", ông Fry nói.