Lệnh bắt giữ CFO Huawei là dấu hiệu xấu cho các tập đoàn công nghệ Mỹ tại Trung Quốc
CFO bị bắt, Huawei bổ nhiệm Chủ tịch làm CFO thay thế | |
Huawei sẽ là chủ đề lớn trong các cuộc hội đàm thương mại Mỹ-Trung |
Nguồn: SCMP |
Việc bắt giữ CFO của công ty Huawei Technologies, bà Sabrina Meng Wanzhou, đã phơi bày những rủi ro mới mà các công ty công nghệ Mỹ đang hợp tác với Trung Quốc phải đối mặt, đồng thời, gây lo ngại về những căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bà Meng, con gái người sáng lập Ren Zhengfei của tập đoàn Huawei - nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai trên thế giới sau Samsung, đã bị cảnh sát bắt giữ ngày 1/12 tại Vancouver, Canada. Chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn này vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Vụ bắt giữ bà Meng là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm cảnh cáo các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sau khi nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE bị "cấm cửa" vào thị trường Mỹ đầu năm nay.
Ở chiều ngược lại, vụ bắt giữ cũng là dấu hiệu cho thấy các công ty công nghệ Mỹ hợp tác kinh doanh với Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió.
Alma Angotti, giám đốc điều hành của Navigant Consulting và một chuyên gia chống rửa tiền cho biết: “Mọi thứ bắt đầu tiến triển từ vụ trừng phạt ZTE cho thấy [Washington] đang thực hiện nghiêm túc các lệnh cấm vận của họ”.
Đầu năm nay, Washington đã cấm tập đoàn ZTE mua bất kỳ linh kiện nào của Mỹ trong bảy năm tới sau khi tập đoàn này bán sản phẩm cho Iran và Triều Tiên, viện dẫn các vấn đề an ninh quốc gia.
Angotti, cựu luật sư của mạng lưới xử lí tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ (FinCEN), cho biết việc chính phủ Mỹ ráo riết theo dõi các vi phạm tài chính của ZTE và Huawei làm tăng nguy cơ cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ "muốn biết liệu [các nhà cung cấp Mỹ] đã biết, có lý do để biết hoặc có thể kiểm soát và ngăn chặn việc hàng hóa Mỹ bị lợi dụng nhằm vi phạm lệnh cấm vận hay không”, bà nói.
“Đó là một rủi ro rất lớn”, Angotti nói thêm.
Trong khi đó, khó khăn của các công ty viễn thông Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào các công ty công nghệ cao của Mỹ do chuỗi cung ứng toàn cầu được liên kết chặt chẽ. Stacy Rasgon, nhà phân tích của công ty quản lý tài sản AllianceBernstein cho biết: “Đây là tác động rất lớn bởi tất cả chuỗi cung ứng đều chạy qua Trung Quốc. Dù không thể định lượng được tác động gián tiếp nhưng rõ ràng là thị trường không thích tình trạng mơ hồ hiện tại".
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 760 điểm, tương đương 3%, vào sáng ngày 5/12. Cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Mỹ mua hoặc bán linh kiện cho Huawei, bao gồm Intel và Texas Instruments, được bán ra ồ ạt bởi giới đầu tư lo ngại rằng trục trặc của ông lớn công nghệ Trung Quốc sẽ tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng. Đặc biệt, vụ bắt giữ CFO Huawei diễn ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires để đàm phán các vấn đề thương mại.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton, người đã có mặt tại bữa ăn tối với 2 nguyên thủ ngày 5/12, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với National Public Radio rằng ông đã biết trước về lệnh bắt giữ bà Meng.
Rasgon nói: “Điều này sẽ khiến các tranh chấp hiện tại leo thang đáng kể. Meng bị bắt vào thời điểm các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra". Một báo cáo của quốc hội Mỹ vào tháng 7 cho rằng thương hiệu Huawei và ZTE là một trong những “điệp viên” của Trung Quốc thâm nhập vào cơ quan tình báo Mỹ và cơ sở hạ tầng quan trọng thông qua các hệ thống và linh kiện công nghệ.
"Đó là vấn đề an ninh quốc gia đối với Mỹ. Vì vậy, họ không đùa", Angotti nói.
Mùa hè vừa qua, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một đạo luật mang lại nhiều quyền hạn hơn cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một cơ quan liên ngành chuyên đánh giá các khoản đầu tư nước ngoài vào nội địa vì lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc song đây rõ ràng là mục tiêu bị nhắm đến.
Chính quyền Mỹ và các nhà lập pháp nhiều lần lo ngại việc Trung Quốc thâu tóm các công nghệ tiên tiến của Mỹ có thể đe dọa an ninh.
Vào tháng 11, Tổng chưởng lý Jeff Sessions đã công bố “Sáng kiến Trung Quốc” của Bộ Tư pháp được khởi xướng để điều tra và khởi tố các công ty Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại, sử dụng gián điệp kinh tế và các vi phạm liên quan. Khi tranh chấp thương mại leo thang trong nửa cuối năm nay với các mức thuế trị giá hàng tỉ USD áp cho hàng hóa cả hai bên, bữa ăn tối ở Argentina được kì vọng là một dấu hiệu hòa giải nhưng có vẻ tín hiệu tốt đã sớm biến mất.
Đến nay, những gì được thỏa thuận tại Buenos Aires giữa ông Trump và ông Tập vẫn nằm trong vòng bí mật.
Sau khi bà Meng bị bắt, "chúng tôi tự hỏi liệu thái độ nhún nhường của Trung Quốc từ bữa tối đó có trở nên tồi tệ hơn không", nhà phân tích của AllianceBernstein nói rồi nhận định: "Và nó có vẻ sẽ phải như vậy".