Lạm phát, thiếu vắng đơn hàng: Xu hướng xuất khẩu giảm sút sẽ còn tiếp diễn?
Thiếu vắng đơn hàng, xuất khẩu tiếp tục giảm sút
Việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong tháng 2 ước đạt 26 tỷ USD, tăng 10% so với tháng 1 - thời điểm hoạt động xuất khẩu giảm sút do trùng với dịp Tết Nguyên đán. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hoá ước đạt 49,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 13 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%...
Riêng đối với Trung Quốc, chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 sau gần ba năm thực hiện chính sách “Zero Covid” đã tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 2 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Điển hình như giá hạt tiêu (-31%) hay cao su (-21%), phân bón (-25,5%), sắt thép (-32%)…
Xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh. Các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.
Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.
Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Với thuỷ sản, các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Mặc dù vậy, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 2 tiếp tục thặng dư 2,3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 2 tháng đầu năm lên 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 300 triệu USD).
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023 là "đầy tham vọng"
Theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống.
Theo đó, kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Giới chuyên gia đánh giá điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Trao đổi với người viết, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay là 6% (đạt 393 - 394 tỷ USD) dù thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng đây vẫn là “đầy tham vọng”.
“Chúng ta không thể tăng xuất khẩu khi các nước không nhập. Hai háng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 10% và tôi chưa nhìn thấy khả năng xuất khẩu phục hồi trở lại. Tôi cho rằng xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% không phải là cao nhưng nếu Việt Nam không đạt được mục tiêu cũng là điều bình thường”, ông Cung đánh giá.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng đánh giá, suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhanh hơn dự kiến. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Bộ trưởng Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tranh thủ sự phục hồi nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu, song song với việc đa dạng hoá thị trường.
Ngoài ra, vị này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo để tiếp sức cho doanh nghiệp. Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.
Còn theo ông Cung, biện pháp hỗ trợ sát sườn nhất đối với các doanh nghiệp lúc này là giảm thuế.
“Thời điểm phải dùng giải pháp thị trường được là tốt nhất, thay vì giải pháp hành chính. Điển hình như nhà nước có thể giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Giải pháp này sẽ có tác dụng ngay đối với doanh nghiệp và thể hiện sự đồng hành của Chính phủ.
Cần nhìn thẳng vào sự thật, doanh nghiệp đang khó khăn, người lao động mất việc làm. Chúng ta cứ khuếch trương việc tăng thu ngân sách bao nhiêu thì cũng không ý nghĩa gì? Thu ngân sách không để làm gì nếu như không chi. Trong bối cảnh này càng tăng thu bao nhiêu thì doanh nghiệp, người dân càng cảm thấy nghịch lý bấy nhiêu”, ông Cung nói.