|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo nhu cầu tiếp tục ảm đạm, xuất khẩu điều đặt mục tiêu khiêm tốn 3,1 tỷ USD

07:24 | 28/02/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự báo tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, ngành điều thống nhất điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2023 ở mức 3,1 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.

Ngày 27/2, tại Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết bước vào năm 2023, thị trường nông sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, việc mở rộng thị trường xuất khẩu song hành với chú trọng thị trường trong nước sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 tỷ USD năm 2023.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Thông tin Vinacas, tính đến tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, ông Công dự báo tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, Vinacas thống nhất đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2023 ở mức khiêm tốn với 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.   

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas). (Ảnh: Như Huỳnh)

Cũng theo đại diện Vinacas, năm 2022, nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19, ngành điều Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng chung từ thị trường, tiêu dùng quốc tế.

Vinacas dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 12/2022, Việt Nam xuất khẩu được 519.782 tấn hạt điều, trị giá 3,08 tỷ USD. So với năm 2021, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá.

Với kết quả này, ngành điều không hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD trong năm qua, đồng thời, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu điều kéo dài 10 năm (từ năm 2011-2021).

 Toàn cảnh Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngày 27/2 tại TP HCM (Ảnh: Như Huỳnh)

Phát biểu tại hội nghị, ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng hạt và quả khô thế giới (INC), chỉ ra rằng, với hơn 2,4 tỷ người, thế hệ “gen Z” hiện đang là nhóm tiêu dùng chính và đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của các hộ gia đình. Riêng tại Trung Quốc, 16,5% dân số thuộc thế hệ “gen Z”. Do đó, ngành điều cần đặc biệt quan tâm tới nhóm khách hàng này.

Theo ông Michael Waring, các doanh nghiệp có thể tác động tới thế hệ “gen Z” thông qua các kênh trực tuyến, người nổi tiếng và xây dựng thương hiệu thực phẩm thông qua mô hình B2B, B2C. Chiến lược này đang được INC thực hiện tại thị trường Trung Quốc, tiếp đến sẽ tổ chức tại Ấn Độ - thị trường có hơn 100 triệu người “gen Z”, nơi các loại hạt và trái cây sấy được sử dụng nhiều…

Còn theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, (Bộ Công Thương), ngành điều là ngành có số lượng khá lớn doanh nghiệp có thương hiệu riêng trên kệ siêu thị tại các thị trường xuất khẩu trên thế giới, nhiều hơn hẳn các loại nông sản khác của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới.

Ông Phú cũng lưu ý về xu thế sản xuất và thương mại xanh, tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Ngành điều cần tiên phong trong việc xanh hoá và thực hành sản xuất xanh. Hiện EU đang đi đầu về xu hướng này từ năm 2017. Từ đó đến nay, nhiều đạo luật đã được ban hành để hiện thực mục tiêu Net-Zero, cùng với đó là các tiêu chuẩn được đưa ra đối với các ngành hàng.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị cho toàn ngành để đảm báo tấm vé “xanh” vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, hiện trong ngành điều Việt Nam đã có một số doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn mới thì toàn ngành cần thực hành mô hình quản trị theo chuỗi giá trị.

“Đây là điều hết sức quan trọng vì trong 5 năm tới, nếu không thực hiện được thì dù có là ngành đứng đầu thế giới thì hạt điều Việt Nam cũng sẽ rất khó đi vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản”, ông Phú khuyến nghị.

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.