|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó chủ tịch Vinacas: Doanh nghiệp đói đơn hàng, xuất khẩu điều năm 2022 khó đạt 3,2 tỷ USD

18:46 | 23/08/2022
Chia sẻ
Lạm phát gia tăng ở Mỹ và EU khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, doanh nghiệp Việt đói đơn hàng. Phó chủ tịch Vinacas dự báo xuất khẩu điều năm 2022 khó đạt 3,2 tỷ USD.

Lạm phát gia tăng, xuất khẩu điều giảm mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 45,5 nghìn tấn, trị giá 267,5 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 24% về trị giá so với tháng 7/2021.

 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 295 nghìn tấn, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 10% về lượng và giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu điều sang các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khối EU đều giảm. 

 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu) 

Năm 2022, Bộ NN&PTNT giao cho chỉ tiêu xuất khẩu cho ngành điều khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã kiến nghị điều chỉnh hạ mục tiêu giá trị xuất khẩu cả năm xuống 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. Như vậy, kết thúc 7 tháng đầu năm, ngành điều đã hoàn thành được 53% kế hoạch xuất khẩu năm 2022.

Trao đổi với người viết, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết mục tiêu 3,2 tỷ USD được Vinacas đăng ký với Chính phủ từ cuối năm 2021, khi căng thẳng Nga – Ukraine chưa xảy ra.

“Khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, tình thế đã thay đổi. Xuất khẩu điều năm 2022 thậm chí khó chạm đến con số 3,2 tỷ USD”, ông Nhựt nói.

Bởi, hạt điều của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và EU, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị khiến nhu cầu tiêu thụ điều giảm mạnh.

“Dự báo cho đến cuối năm, xuất khẩu điều khó khởi sắc bởi tình hình kinh tế - chính trị ở EU ngày càng phức tạp. Điều này khiến các doanh nghiệp lớn đình trệ sản xuất, nhà máy vừa và nhỏ đã phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng”, ông Nhựt thông tin.

Trong giai đoạn dịch COVID-19, khi xuất khẩu tắc đường, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng về thị trường nội địa và đạt được thành công như Phúc Sinh, Vinamit…

Tuy nhiên, ông Nhựt cho rằng điều này khó khả quan với ngành điều. Bởi, hạt điều là sản phẩm thực dưỡng dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập cao.

Với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam cùng với thói quen tiêu dùng, tiêu thụ điều ở thị trường nội địa còn rất yếu. Hiện, tỷ lệ hạt điều lên kệ siêu thị chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng hàng hóa của Việt Nam.

Thấy gì từ vụ 76 container điều bị lừa đảo

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu điều vốn đã không thuận lợi bởi yếu tố thị trường, lại càng thêm khó khăn khi 5 doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa đảo 76 container điều, giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Ông Bạch Khánh Nhựt thông tin đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt đã lấy lại được 76 container dù 33 bộ chứng từ rơi vào tay kẻ lừa đảo.

Từ vụ việc này để thấy doanh nghiệp Việt quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác về địa chỉ, tài chính…

Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch bệnh doanh nghiệp Việt cũng quá ham những đơn hàng lớn mà không phát hiện ra những điều bất thường.

Cụ thể, thị trường Italy vốn chỉ nhập khẩu lượng nhỏ điều của Việt Nam, song chỉ trong thời gian ngắn bên nhập khẩu lại muốn mua 76 container điều chất lượng cao, bằng cả khối lượng nhập khẩu của Italy từ Việt Nam trong năm 2021.

Mặt khác, phương thức thanh toán của doanh nghiệp sử dụng khá nhiều rủi ro cho phía người bán, khiến quá trình xử lý vụ việc gặp nhiều khó khăn.

Sau vụ việc này, đại diện Vinacas lưu ý: “Trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm đến hỗ trợ của các Thương vụ tại nước sở để xác minh thông tin doanh nghiệp”.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác và dùng các phương thức thanh toán an toàn hơn.

Trường hợp có nguy cơ bị lừa đảo, doanh nghiệp cần nhanh chóng thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ của Hiệp hội ngành hàng, chủ động trong giải quyết vụ việc của mình.

Phạm Mơ

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.