Kim ngạch xuất khẩu điều giảm 14% sau 9 tháng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 9, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt khoảng 40 nghìn tấn, tương đương 245 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 10% về trị giá so với tháng 8; đồng thời giảm 22% về lượng và giảm 28% về trị giá so với tháng 9/2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều ước đạt 382 nghìn tấn, trị giá gần 2,3 tỷ USD, giảm 11% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Bình quân giá điều xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt 5.992 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 9, giá điều xuất khẩu ở mức 6.136 USD/tấn, giảm 8% so với tháng 9/2021.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Các nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm. Đây sẽ là rào cản khiến Mỹ giảm nhập khẩu hạt điều trong các tháng còn lại của năm 2022, bất chấp nhu cầu tiêu thụ có thể tăng trong dịp cuối năm (theo yếu tố chu kỳ).
Trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy khả quan, các sản phẩm có giá thành cao nhiều khả năng sẽ không phải là sự lựa chọn của nhiều người.
Xuất khẩu điều sang Mỹ chững lại nhưng lại có tín hiệu tốt ở Trung Quốc và EU. Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp điều Việt Nam cần khai thác lợi thế mà các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường này.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định xuất khẩu điều năm 2022 thậm chí khó chạm đến con số 3,2 tỷ USD. Bởi, hạt điều của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và EU, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị khiến nhu cầu tiêu thụ điều giảm mạnh.
“Dự báo cho đến cuối năm, xuất khẩu điều khó khởi sắc bởi tình hình kinh tế - chính trị ở EU ngày càng phức tạp. Điều này khiến các doanh nghiệp lớn đình trệ sản xuất, nhà máy vừa và nhỏ đã phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng”, ông Nhựt thông tin.