Là một trong các nước đầu tiên gỡ phong tỏa, Trung Quốc đang làm những gì để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai?
Là nước lớn đầu tiên nới lỏng lệnh phong tỏa, Trung Quốc đang dốc sức để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai khi người dân trong nước dần quay về nhịp sống cũ. Trong quá khứ, làn sóng lây nhiễm thứ hai thường gây thiệt hại nặng nề hơn đợt đầu.
Khi các chuyên gia tại đất nước tỉ dân khẳng định virus SARS-CoV-2 sẽ không hoàn toàn biến mất, các quan chức chính phủ đang tập trung duy trì tỉ lệ lây nhiễm ở mức kiểm soát được để số bệnh nhân không tăng đột biến, gây quá tải cho hệ thống y tế.
Cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường trong khi vẫn duy trì tỉ lệ lây nhiễm ở mức thấp là một mục tiêu mà các chính phủ trên thế giới, bao gồm cả những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Mỹ và Italy, phải cố gắng cân bằng.
Ngay cả khi sở hữu các công cụ mà nhiều nước không có như hệ thống camera giám sát và theo dõi di chuyển của người dân trên toàn quốc, Trung Quốc lại không có một bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh hiện tại cũng như không có gì đảm bảo nước này sẽ thành công.
"Tất cả những điều đó có nghĩa là khi Trung Quốc khởi động lại đời sống kinh tế và xã hội, có những ẩn số nhưng không nằm ngoài dự trù của giới chuyên gia có thể dẫn đến một đợt bùng phát khác", ông Nicholas Thomas - giáo sư chuyên ngành sức khỏe cộng đồng tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho hay.
Bloomberg đã tổng hợp các chính sách mà nhiều thành phố tại Trung Quốc áp dụng để ngăn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
Mối họa từ nước ngoài
Hoạt động du lịch tự do trên toàn cầu sẽ không còn khả thi trong một thế giới hậu COVID-19 vì các nước đều lo sợ sẽ "nhập khẩu" các ca bệnh mới, từ đó làm bùng lên các làn sóng lây nhiễm khác.
Gần như toàn bộ du khách ngoại quốc đều bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc trong khi công dân Trung Quốc từ nước ngoài trở về phải cách li ít nhất hai tuần.
Các thành phố được kiểm soát nghiêm ngặt nhất, chẳng hạn như Bắc Kinh, công dân được yêu cầu cách li thêm một tuần tại nhà sau đó. Bất kì ai đang cách li tại nhà ở thủ đô Bắc Kinh đều có thể khiến chuông báo động kêu chỉ qua việc mở cửa sổ, trong khi hàng xóm được khuyến khích báo cáo các trường hợp rời khỏi nhà, Bloomberg đưa tin.
Các lệnh hạn chế nghiêm khắc được siết chặt hơn dù trong vài tuần qua, gần như không có ca nhiễm mới nào xuất hiện tại Bắc Kinh, một phần là do tầng lớp cán bộ sinh sống tại đây.
"Bắc Kinh là thủ đô của Trung Quốc, nhiều nhà lãnh đạo chính phủ sống ở đó và họ phải xem xét tác động chính trị cũng như cân nhắc các mối lo ngại liên quan đến tính ổn định của xã hội", ông Huang Yanzhong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, thuộc Đại học Seton Hall (New Jersey, Mỹ), nhận định.
Một số tỉnh biên giới như Hắc Long Giang cũng đang áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển nghiêm khắc. Tỉnh Hắc Long Giang gần đây đã chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới từ những người đi qua biên giới đất liền với Nga.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã yêu cầu các du khách có di chuyển qua biên giới với Nga phải cách li 35 ngày, hạn chế hoạt động của các công ty xuất - nhập khẩu trong khu vực,...
Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, hầu như không có bất kì lệnh hạn chế nào được áp dụng đối với khách du lịch nội địa do thành phố này cần phải mở cửa để tiếp nhận đầu tư và nhân lực mới.
Một phóng viên Bloomberg di chuyển từ tâm dịch tỉnh Hồ Bắc đến Thượng Hải mà không phải chịu bất kì lệnh hạn chế nào như cách li hay yêu cầu xét nghiệm khi vào thành phố.
Chiến lược của Thượng Hải nhiều khả năng sẽ được chính quyền ở các trung tâm tài chính khác như New York và Tokyo quan sát kĩ khi mà động lực phát triển của các thành phố này phụ thuộc vào qui định du lịch nội địa thông thoáng.
Xét nghiệm hàng loạt
Trong khi nhiều nước còn đang chật vật xét nghiệm cho những trường hợp nghi nhiễm, các thành phố Trung Quốc hiện đang cố gắng xét nghiệm trước cho những ai sắp quay trở lại làm việc.
Tại hai tỉnh Hồ Bắc và Quảng Châu, các công ty đang yêu cầu công nhân trở lại làm việc phải tiến hành xét nghiệm COVID-19. Tại Thượng Hải, xét nghiệm tự nguyện đã được triển khai trên toàn thành phố, các công ty và cá nhân đều có thể đặt lịch xét nghiệm ở bệnh viện và phòng khám.
Các phòng khám, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) địa phương đang phối hợp để xác định, chẩn đoán và cách li sớm các ca bệnh, sau đó là kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân và cách li thêm các trường hợp nghi nhiễm để ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng, theo ông Trương Văn Hồng - Giám đốc khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Huashan Thượng Hải.
"Tại Thượng Hải, có hàng nghìn nhân viên y tế và bác sĩ của CDC tìm kiếm bệnh nhân và cách li những liên hệ mới tiếp xúc với họ", ông Trương chia sẻ. "Trong hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, phản ứng nhanh chóng là rất cần thiết".
Ứng dụng theo dõi
Trong một động thái dường như là bất khả thi tại các nước phương Tây vì lí do quyền riêng tư, Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh của bộ máy giám sát và các công ty công nghệ lớn để theo dõi những người dễ bị lây nhiễm bệnh.
Theo Bloomberg, các chức năng theo dõi và giám sát sức khỏe được tích hợp vào ứng dụng điện thoại của Alibaba Group và Tencent dựa trên dữ liệu từ cơ quan chính phủ, nhà mạng, địa điểm và giao dịch để vẽ nên một bức tranh chi tiết về từng mức độ rủi ro của mỗi công dân.
Kết quả cuối cùng là hàng triệu người sẽ phải trình ra mã màu đỏ, vàng hoặc xanh lá cây trước khi được phép vào khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, tàu điện ngầm và các khu chung cư.
Các mã màu trên sẽ thường xuyên cập nhật, cho nên mã xanh (tức cho phép tự do di chuyển) có thể dễ dàng chuyển sang màu khác.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang rất cẩn trọng, chỉ cho phép mở cửa nền kinh tế theo từng giai đoạn. Nhiều thành phố chưa cho rạp chiếu phim, rạp hát hay quán bar mở cửa lại. Chính quyền địa phương cũng ban hành qui định đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi làm việc cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng.