Kinh tế Trung Quốc kiên cường - đà phục hồi của toàn cầu thêm vững
Kinh tế Trung Quốc đã cho thấy sức bật lớn trong một năm thách thức, nhờ đó củng cố và tạo động lực cho kinh tế toàn cầu trước những trở ngại chưa từng có như sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị.
Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát vĩ mô trong năm nay để đối phó với tác động từ những yếu tố ngoài dự kiến và duy trì sự ổn định kinh tế, xã hội. Hoạt động kinh tế được cho là sẽ cải thiện trong năm tới, nhờ nền tảng mạnh, tiềm năng và động lực của nền kinh tế cùng với sự hỗ trợ của các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng hình chữ V
2022 không phải là năm dễ dàng với Trung Quốc. Sau khi tăng trưởng chỉ 0,4% trong quý 2/2022, do dịch bùng phát, kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi, với mức tăng trưởng 3,9% trong quý 3 và tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu.
Khi kinh tế Trung Quốc phục hồi theo hình chữ V, chất lượng tăng trưởng cũng cải thiện. Trong giai đoạn từ tháng 1-11/2022, đầu tư vào tài sản cố định trong lĩnh vực công nghệ cao tăng 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị gia tăng của lĩnh vực chế tạo công nghệ cao tăng 8%.
Trong giai đoạn nói trên, kim ngạch và khối lượng xuất khẩu xe sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc đều dẫn đầu toàn cầu và lĩnh vực thương mại điện tử của nước này có được động lực mạnh, với thị phần trong doanh số bán lẻ trực tuyến tăng đáng kể.
Trong khi đó, những bước tiến lớn cũng đạt được về đổi mới công nghệ. Trong báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu 2022 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới công bố, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 11 trong số 132 nền kinh tế được khảo sát.
Theo Phó Giám đốc điều hành Ủy ban Trung ương về các vấn đề kinh tế và tài chính, Han Wenxiu, mặc dù tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu đề ra vào đầu năm, nhiều mục tiêu phát triển khác đã được hoàn thành tốt. Ông nhận định GDP của Trung Quốc năm 2022 sẽ vượt mức 120.000 tỷ nhân dân tệ (17.210 tỷ USD).
Ông Han nói thêm rằng cuộc sống của người dân và việc làm sẽ trở lại bình thường hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là nửa cuối năm, khi sức bật của nền kinh tế được giải phóng.
Nhà kinh tế Liang Guoyong tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh trong năm 2023, với động lực tăng trưởng mạnh lên đáng kể. Điều này sẽ tạo ra lực đẩy lớn cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và góp phần vào sự ổn định chung.
Mở cửa với chất lượng cao
Là quốc gia đứng đầu về thương mại hàng hóa và đứng thứ hai về thương mại dịch vụ của toàn cầu, Trung Quốc đã có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy quá trình mở cửa tiêu chuẩn cao trong năm nay, từ đó mang lại lợi ích lớn cho các nước khác trên thế giới.
Các biện pháp bao gồm đẩy mạnh việc phát triển các khu thương mại tự do thí điểm và Cảng thương mại tự do Hải Nam, thực thi một danh sách hạn chế rút gọn đối với đầu tư nước ngoài và triển khai các biện pháp mới nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo.
Bị hấp dẫn trước một thị trường lớn, tăng trưởng kinh tế mạnh và môi trường kinh doanh được cải thiện, một loạt công ty đa quốc gia đã tìm cơ hội tại thị trường Trung Quốc và mở rộng hoạt động, tăng đầu tư tại nước này.
Theo số liệu chính thức, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.090 tỷ nhân dân tệ. Lĩnh vực chế tạo công nghệ cao tăng trưởng mạnh hơn, với dòng FDI tăng 57,2%.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng ổn định. Trong giai đoạn từ tháng 1-11/2022, xuất khẩu của nước này tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 38.340 tỷ nhân dân tệ.
Theo người đứng đầu Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, thuộc Bộ Thương mại, Gu Xueming, trước những yếu tố không chắc chắn gia tăng về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, nỗ lực mở cửa với chất lượng cao của Trung Quốc cho thấy quyết tâm của nước này cùng với tiềm năng thị trường lớn, điều sẽ thúc đẩy lòng tin vào thị trường toàn cầu.
Chuỗi sản xuất công nghiệp ổn định
Là một quốc gia với hệ thống sản xuất công nghiệp hoàn chỉnh nhất và lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động từ các vấn đề của chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu trong năm nay.
Để ổn định các chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã mở rộng các dịch vụ vận tải và khai thác các tuyến đường biển và các đường bay thẳng mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại của con người và vận chuyển hàng hóa qua biên giới, nhờ đó thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế.
Các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần ổn định chuỗi cung ứng quốc tế. Tính đến cuối tháng 10/2022, 82 tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu đã được vận hành, vươn tới 204 thành phố ở 24 quốc gia châu Âu. Các tuyến đường sắt này đã thực hiện 62.000 chuyến tàu chở hàng, với 5,76 triệu đơn vị tương đương 20 phút hàng hóa.
Với việc tăng cường khả năng ứng phó của các chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp, Trung Quốc đã góp phần làm giảm sức ép lạm phát trên toàn cầu.
Trung Quốc đã duy trì chỉ số giá tiêu dùng ở mức tương đối thấp trong 11 tháng 1-11/2022, và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo đủ nguồn cung ngũ cốc và ổn định giá cả.
Nhà phân tích Zhang Zheren thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đối ngoại tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia tin rằng tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc, cùng với thế mạnh về chế tạo và chính sách tiền tệ thận trọng, đã góp phần đáng kể vào sự ổn định giá cả toàn cầu.
Ông tin rằng, trong tương lai, với tác động của đại dịch ở trong nước giảm đi, sản xuất mạnh và việc đa dạng hóa quá trình mở cửa của Trung Quốc sẽ góp phần lớn hơn nữa vào việc ổn định giá cả toàn cầu.