Kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ suy thoái kép khi Bắc Kinh tiếp tục gồng Zero COVID
Triển vọng kinh tế mờ mịt
Trong giới chuyên gia kinh tế toàn cầu, nhiều người đã râm ran rằng con đường tăng trưởng của Trung Quốc đang bị cản trở do bắc Kinh ưu tiên bảo vệ mạng sống của người dân bằng mọi giá, dù các quan chức cấp cao nhất đã lên tiếng trấn an bằng lời hứa hẹn về những biện pháp hỗ trợ kinh tế mạnh tay.
Một số người chỉ ra rằng bất ổn đang ngày càng gia tăng trong các nhóm dễ bị tổn thương nhất ở Trung Quốc. Một số khác cảnh báo về một “cuộc suy thoái tăng trưởng”, tức tăng trưởng kinh tế rất chậm cùng với tỷ lệ thất nghiệp rất cao.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc mãi chưa chịu từ bỏ 'Zero COVID'? 06/05/2022 - 15:12
Và một số nhà kinh tế khác nói rằng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ suy thoái kép, tương tự những gì Mỹ đã chứng kiến vào đầu những năm 1980 - suy thoái, tăng trưởng trở lại và sau đó là suy thoái thêm một lần nữa.
Chia sẻ với SCMP, ông Derek Scissors, thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nhận định: “Tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi mà một số hoạt động kinh tế đang bị cấm cản”.
Đợt bùng phát dịch mới nhất đã khiến hàng chục thành phố của Trung Quốc phải lao đao, hoạt động đi lại của người dân và dòng chảy hàng hóa đều bị hạn chế. Kể từ tháng 3, tổng số ca xác nhận nhiễm đã vượt mốc 600.000 - cao hơn so với đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán năm 2020.
Sự việc trung tâm tài chính Thượng Hải với 25 triệu dân bị phong tỏa hơn hai tháng qua đã kích hoạt làn sóng phản đối kịch liệt. Ông Scissors cho biết những tác động tiêu cực của Zero COVID sẽ được phản ánh trong các số liệu kinh tế “yếu kém” của quý II. Điều này có thể đẩy nhà đầu tư rơi vào thế khó.
“Nguy hiểm là việc đóng cửa dập dịch và những thiệt hại kinh tế khác có thể kéo dài sang quý III. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 sẽ giảm sâu và doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng có thể coi COVID là một rủi ro lớn hơn trong tương lai…”, vị chuyên gia của AEI cảnh báo.
- TIN LIÊN QUAN
-
Đừng hy vọng Trung Quốc sẽ giải cứu nền kinh tế toàn cầu như năm xưa 28/04/2022 - 17:11
Đáng ngại hơn, tại thời điểm Bắc Kinh cần sự ổn định trước khi tổ chức đại hội đảng vào mùa thu năm nay, vấn đề mà giới lãnh đạo phải đối mặt còn có áp lực từ các yếu tố bên ngoài.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thắt chặt chính sách tiền tệ, giá hàng hóa tăng nóng do chiến sự Nga - Ukraine và các tranh chấp địa chính trị khác đang đè nặng lên đôi vai của Bắc Kinh.
Đặc biệt, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine không chỉ kích hoạt một đợt tăng giá mới trên thị trường hàng hóa mà còn làm tổn hại đến các nỗ lực toàn cầu hóa và đẩy Trung Quốc - quốc gia chưa lên án hành vi của Moscow, vào thế đối đầu với phương Tây. Đáng chú ý, phương Tây là điểm đến chính của hàng hóa Trung Quốc.
Ông Wang Yongli, cựu Phó Chủ tịch của Bank of China, bình luận: “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với bất ổn và các cú sốc lớn hơn so với giai đoạn 2008 - 2009 nếu tác động chồng chéo của dịch lan rộng và nếu xung đột Nga - Ukraine leo thang cũng như chính sách vĩ mô giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng đối lập”.
Vị chuyên gia còn cảnh báo về những rủi ro của một cuộc suy thoái kinh tế và lạm phát đình trệ nghiêm trọng. Lạm phát đình trệ là hiện tượng tăng trưởng GDP tụt dốc nhưng lạm phát tăng chóng mặt.
“Thách thức của Bắc Kinh bây giờ có thể so sánh với thời kỳ kinh tế tăng nóng và hỗn loạn tài chính những năm 1998 - 1999”, ông Wang nhấn mạnh. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Trung Quốc từng có giai đoạn trải qua những biến cố như vậy.
Các nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận đang phải chịu áp lực gấp ba lần, khi nhu cầu giảm, nguồn cung gặp trục trặc và kỳ vọng kinh tế yếu hơn. Với kế hoạch chi tiêu hạ tầng mạnh tay để thúc đẩy kinh tế, các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu tham vọng là đạt mức tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2022.
Giáo sư David Zweig của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong đánh giá: “Đối với cá nhân tôi, Trung Quốc không thể nào đạt được mức tăng trưởng đã vạch ra khi đóng cửa Thượng Hải trong thời gian dài như vậy. Họ nên tiêm phòng cho người lớn tuổi càng nhanh càng tốt và từ bỏ chiến lược Zero COVID”.
Còn ông Sheng Songcheng, cựu trưởng phòng thống kê của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), dự đoán tăng trưởng GDP quý II có thể chậm lại khoảng 2,1%, mức 4,8% trong quý đầu tiên.
Sự chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang gây căng thẳng ở nước ngoài, vì Trung Quốc là một động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu, bao gồm trong những năm đầy biến động.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc sắp vay thêm nợ để cứu nền kinh tế? 12/05/2022 - 15:06
Đầu tháng 5, chuyên gia Stephen Roach cảnh báo rằng Trung Quốc đang phải chống chịu với “những áp lực ghê gớm” và sẽ “thật may mắn nếu nước này có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 4%”.
Trên một chương trình của CNBC, ông Roach nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không giải cứu thế giới theo cách mà họ đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.
Trung Quốc vẫn đang “gồng”
Bất chấp áp lực gia tăng, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn giữ vững các biện pháp kiểm soát dịch nặng tay. Ngoài ra, Bắc Kinh còn được cho là đã tăng cường chấn chỉnh những người phản đối hoặc những ai thắc mắc về chính sách của nhà nước.
Tờ Xinhua từng dẫn cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và viết: “Chúng ta phải kiên quyết tuân thủ chiến lược Zero COVID và chống lại mọi lời lẽ, hành động xuyên tạc, nghi ngờ hoặc phủ nhận các chính sách chống dịch của đất nước”.
Mặt khác, các cơ quan chức trách tiếp tục khẳng định với phần còn lại của thế giới rằng Trung Quốc có nhiều công cụ để thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Trong bản phân tích kinh tế hàng quý được công bố vào tháng 4, Bộ Chính trị cam kết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và cắt giảm thuế hiện hành, cũng như sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ mới và đầu tư hiệu quả hơn.
Tháng trước cũng có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể nới lỏng các hạn chế đối với doanh nghiệp công nghệ và địa ốc.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn né tránh việc phát hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân. Đây là cách chính phủ Mỹ từng làm trong thời kỳ đại dịch. Chưa kể, PBoC tiếp tục nhấn mạnh rằng họ không có kế hoạch bơm thanh khoản mạnh tay vào nền kinh tế.