|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế toàn cầu rơi vào nguy hiểm vì xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hai năm

19:05 | 14/01/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm nhiều nhất trong hai năm vào tháng 12/2018, với nhập khẩu cũng giảm mạnh, gợi ý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục suy yếu trong năm 2019 và nhu cầu toàn cầu giảm. 

Cụ thể, xuất khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc bất ngờ giảm 4,4% so với năm ngoái, với nhu cầu tại hầu hết các thị trường chính đều yếu. Nhập khẩu cũng giảm mạnh 7,6%, đánh dấu đợt giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2016.

Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm còn 3% với nhập khẩu tăng 5%.

Ngoài ra, dữ liệu công bố hôm 14/1 cũng cho thấy Trung Quốc đang có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong năm 2018, điều có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự suy yếu về nhu cầu của Trung Quốc được ghi nhận trên khắp thế giới, với doanh số bán hàng từ iPhone tới ô tô đều chậm lại, dấy lên những cảnh báo từ Apple và Jaguar Land Rover, với tuyên bố cắt giảm việc làm trong tuần trước.

Thương mại sụt giảm trong tháng 12 gợi ý nền kinh tế Trung Quốc có thể hạ nhiệt nhanh hơn dự báo vào cuối năm ngoái, bất chấp các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng gần đây từ tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng tới giảm thuế.

Một số chuyên gia phân tích đã dự báo Bắc Kinh có thể đẩy nhanh và gia tăng việc nới lỏng chính sách, các biện pháp kích thích trong năm nay sau khi hoạt động sản xuất giảm trong tháng 12/2018.

"Dữ liệu công bố ngày hôm nay phản ánh sự chấm dứt của sự dẫn đầu của xuất khẩu trong nền kinh tế và sự khởi đầu của những tác động từ trả đũa thương mại, trong khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu của Trung Quốc", các chuyên gia kinh tế tại Nomura cho biết.

"Tăng trưởng xuất khẩu cũng chỉ ra sức mạnh gần đây của đồng nhân dân tệ có thể chỉ là ngắn hạn; Bắc Kinh có thể sẽ muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với Mỹ; và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thực hiện nhiều biện pháp mạnh hơn để ổn định tăng trưởng GDP".

Xuất khẩu ròng đã hạn chế tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ba quí đầu tiên của năm ngoái, sau khi tạo ra động lực phát triển trong năm 2017.

Thị trường chứng khoán châu Á và Mỹ đã giảm vì dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về sự sụt giảm của lợi nhuận và đầu tư doanh nghiệp, trong khi đồng nhân dân tệ chấm dứt đà tăng trong đầu phiên.

kinh te toan cau roi vao nguy hiem vi xuat khau cua trung quoc giam manh nhat trong hai nam
Ảnh minh họa.

Thặng dư thương mại với Mỹ tiếp tục phình to

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng 17,2% lên 323,32 tỉ USD trong năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2006, theo Reuters.

Thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối đối với chính quyền Washington, theo đó đã yêu cầu Bắc Kinh triển khai các biện pháp để thu hẹp khoảng cách thương mại.

Washington áp thuế quan nhập khẩu lên hàng trăm tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc trong năm ngoái và đe dọa tiếp tục đánh thuế nếu Bắc Kinh không thay đổi thói quen thương mại đối với những vấn đề từ trợ cấp công nghiệp và sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh sau đó đáp trả với thuế quan của riêng mình.

Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu của Bắc Kinh vẫn lạc quan bất chấp thuế quan trong phần lớn năm 2018, có thể vì các công ty thúc đẩy xuất khẩu trước khi thuế quan rộng và nặng hơn có hiệu lực.

Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán sự thúc đẩy đã dần biến mất trong những tháng cuối cùng. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 3,5% trong tháng 12 trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 3.5,8%.

Tổng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc tăng 9,9% trong năm 2018, mức thể hiện tốt nhất trong 7 năm, và nhập khẩu cũng tăng 15,8%.

Mặc dù vậy, dữ liệu ảm đạm của tháng 12, cùng với số đơn đặt hàng nhà máy giảm trong vài tháng qua, gợi ý xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục suy yếu trong ngắn hạn.

Xem thêm

Lyly Cao