Chính phủ Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Mỹ lâm nguy
Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn do chiến tranh thương mại
“Hải quan Trung Quốc đang nắm giữ sản phẩm của chúng tôi và họ khẳng định hàng hóa của chúng tôi sẽ không được nhập vào Trung Quốc", ông Pekka Hakkarainen, Phó Chủ tịch của Lutron phát biểu.
Sau cuộc điều tra kéo dài gần 7 tháng về những động thái thương mại không công bằng của Trung Quốc năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố vào tháng 3/2018 rằng Mỹ sẽ giải quyết vấn đề trên bằng ba chiến thuật, gồm thuế quan, qui trình giải quyết tranh chấp của WTO và các hạn chế về đầu tư. Điều gây tranh cãi nhất trong ba chiến thuật trên chính là thuế quan, theo Forbes.
Kể từ tháng 3/2018, chính quyền của ông Trump đã áp thuế quan với hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc với giá trị lên đến 250 tỉ USD. Trung Quốc sau đó cũng trả đũa bằng mức thuế quan áp lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ vào thị trường nước này.
Hakkarainen và công ty của ông, Lutron, cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.
Lutron là nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng cho các tòa nhà thương mại và dân cư cao cấp và từng là nhà cung cấp cho Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, công ty này cũng mua linh kiện từ các nhà sản xuất Trung Quốc, vốn trở nên đắt đỏ hơn kể từ khi cuộc chiến thuế quan nổ ra.
“Trong một ngành công nghiệp có chuỗi cung ứng mang bản chất toàn cầu và đa phần chuỗi cung ứng tập trung ở Trung Quốc, chúng tôi bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước”, Hakkarainen nói.
Cục Quản lí Chứng nhận và Công nhận (CNCA) của Trung Quốc chính là cơ quan quản lí đầu não đã ngăn cản và lưu giữ linh kiện của Lutron tại biên giới. CNCA nói với Lutron rằng các linh kiện không có đánh dấu an toàn “Triple C”.
Tuy nhiên, đây là một yêu cầu mới, xuất hiện do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Lutron không có cách nào để đạt được chứng nhận “Triple C”.
“Cơ quan phụ trách đánh dấu an toàn cho biết chúng tôi không thể có được con dấu đó bởi những sản phẩm này không nằm trong phạm vị thiết bị bị yêu cầu đánh dấu”, ông Hakkarainen nói.
CNCA là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về đánh dấu an toàn. Tuy nhiên, phòng thử nghiệm của chính phủ Trung Quốc mới là cơ quan đánh dấu an toàn cho các sản phẩm đã được kiểm tra và đủ tiêu chuẩn.
“Đối với tôi, cách các cơ quan phân chia nhiệm vụ không hề rõ ràng”, ông Hakkarainen bổ sung. “Hai cơ quan này không làm việc với nhau và chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề trên”.
Lutron được khuyên là nên yêu cầu CNCA viết một lá thư gửi phòng thử nghiệm, nhưng CNCA buộc công ty này phải trả 15.000 USD để gửi yêu cầu đến phòng thử nghiệm.
Ông Hakkarainen không đồng ý với hướng đi này.
Ông Robert Amsterdam, người sáng lập công ty luật quốc tế Amsterdam & Partners kiêm chuyên gia về Trung Quốc, cho hay đây không còn là chiến tranh thương mại hay cuộc chiến thuế quan nữa.
Khi các nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, nhà điều hành có tiếng tăm và là con gái của ông trùm công nghệ Trung Quốc, chiến tranh thương mại đã rẽ sang hướng khác, ông cho hay.
Bà Mạnh bị bắt cùng đêm Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập gặp nhau trong bữa tối thuộc khuôn khổ tọa đàm G-20 tại Argentina khi hai nhà lãnh đạo kêu gọi đình chiến vì căng thẳng thương mại leo thang.
“Việc bắt giữ đã thay đổi cục diện của cuộc tranh chấp”, ông Amsterdam nói. Nó đã trở thành vấn đề cá nhân của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Dan Eberhart, CEO công ty Canary có trụ sở tại Denver, một công ty dầu mỏ phụ thuộc vào nhà sản xuất Trung Quốc, cho hay ông cũng cảm thấy căng thẳng.
“Vấn đề không còn nằm ở thuế quan, mà nó đã lan sang chuỗi cung ứng và vốn đầu tư”, ông Eberhart nói. “Liệu thuế quan đã ngừng tăng? Cuộc đình chiến sẽ kéo dài bao lâu? Và hai nước có đạt được thỏa thuận nào không?”
Ông Eberhart nói rằng các nhà sản xuất và công ty dịch vụ dầu như công ty ông đang lo ngại liệu các chuyến hàng có đến Mỹ thường xuyên hay không, cũng như giá cả sẽ như thế nào. “Chúng tôi nên thông báo việc thuế quan tăng đến khách hàng và tăng giá sản phẩm hay nên im lặng và khiến tình hình tệ hơn?” ông Eberhart nói và bổ sung thêm: "Tần suất vận chuyển sẽ giảm nếu thời gian tranh chấp kéo dài".
Đơn xin miễn trừ thuế có phải là giải pháp cho doanh nghiệp Mỹ?
Lutron đã nộp đơn xin miễn trừ thuế, tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Lutron không thể chứng minh được tình trạng kinh tế khó khăn của công ty.
“Cá nhân tôi cảm thấy bi quan vì chưa có ai nhận được bất kì sự cứu trợ nào”, ông Hakkarainen nói, bổ sung thêm rằng ông đã nộp đơn xin miễn trừ thuế một lần nữa hồi tháng 12/2018.
Bộ Thương mại, nơi xử lí hơn 47.000 đơn miễn trừ thuế thép và nhôm nhưng chỉ chấp nhận 16.500 đơn, trả lời tờ CNBC rằng họ bị choáng ngợp vởi số lượng người nộp đơn.
Hồi tháng 7/2018, USTR đã áp dụng mức thuế quan bổ sung 25% với nhiều loại sản phẩm của Trung Quốc với tổng giá trị khoảng 34 tỉ USD. USTR cho biết thuế quan trên đánh vào những sản phẩm được hưởng lợi từ chính sách công nghiệp của Trung Quốc, trong đó có chương trình “Made in China 2025”.
Mùa thu năm 2018, USTR đã ngừng chấp nhận đơn miễn trừ thuế cho 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Khoảng 7.000 đơn kiến nghị đã được gửi và USTR từ chối khoảng 670 đơn.
Còn giải pháp nào khác hay không?
Lutron đang xem xét các lựa chọn khác để duy trì thị phần. Tuy nhiên, việc kích thích nhà cung ứng từ Trung Quốc không khả thi và tìm kiếm nhà cung ứng mới cũng không dễ dàng, ông Hakkarainen nói.
Công ty này đã xem xét phân chia sản xuất giữa Mỹ và Mexico, đồng thời rút khỏi Trung Quốc.
“Chiến tranh thương mại sẽ kéo dài bao lâu là một câu hỏi khó khi đưa ra quyết định”, ông Hakkarainen cho hay. “Nếu chúng tôi biết thuế quan sẽ duy trì trong 10 năm, chúng tôi sẽ “dễ thở” hơn”.
Tạm dừng đầu tư
“Năm 2019, chúng tôi dự đoán thuế quan sẽ là một khoản chi phí bổ sung. Và con số có thể lớn hơn so với số thuế cắt giảm mà chúng tôi nhận được trong Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017”, ông Hakkarainen nói. Thay vì đóng cửa, chúng tôi sẽ tạm dừng đầu tư”.
Lutron đã đầu tư hàng nghìn USD và nhiều thời gian để lập đơn xin miễn trừ thuế đối với linh kiện nhập từ Trung Quốc, vốn rất quan trọng đối với công việc kinh doanh của công ty. “Điều này khiến các nhà lãnh đạo trong công ty bị phân tâm khỏi hoạt động bình thường. Chúng tôi đã đánh mất cơ hội để cải thiện tình hình”, ông bổ sung.
Chính quyền Trump dự kiến sẽ tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25% ngày 1/1/2019, nhưng ông Trump và ông Tập đã thống nhất tại cuộc tọa đàm G-20 rằng cả hai nước sẽ tạm dừng tăng thuế quan trong vòng 90 ngày.
Josh Zive, chuyên gia về năng lượng và luật thương mại quốc tế cũng như vận động hành lang tại Bracewell, nói rằng thuế quan đã gây hại đến nền công nghiệp năng lượng. Về mặt cơ sở hạ tầng, thời gian để thu mua thép đã kéo dài hơn vì giá thép đã tăng lên đáng kể.
Giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ, kết hợp cùng việc đóng cửa chính phủ, đã làm chậm quá trình rà soát đầu tư nước ngoài.
Zive cho rằng thuế quan không thúc đẩy ngành năng lượng Mỹ bởi ngành này “phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Chiến tranh thương mại khiến các doanh nghiệp năng lượng khó xoay xở với chuỗi cung ứng toàn cầu hơn.