Ngấm đòn covid-19, một khách sạn ở Hà Nội chật vật vét những đồng cuối cùng nộp tiền điện, cho nhân viên tạm nghỉ việc, cắt 80% lương bếp trưởng
Vài ngày gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ một video mà trong đó nữ quản lí của một khách sạn thông báo kế hoạch nghỉ việc tạm thời dành cho nhân viên vì ảnh hưởng của dịch covid-19. Nữ quản lí công bố hai phương án để mọi người lựa chọn.
Với những người tự nguyện nghỉ việc, khách sạn sẽ trợ cấp 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Nếu tình trạng khó khăn kéo dài tới 4 tháng, họ sẽ nhận mức trợ cấp 6 triệu đồng vào ngày 5/8 khi quay trở lại khách sạn để làm việc.
Giải thích lí do trả tiền trợ cấp vào ngày 5/8, nữ quản lí thừa nhận khách sạn không có đủ tiền vào thời điểm hiện nay. Cô tiết lộ rằng, trong 10 ngày qua, khách sạn phải chật vật mới gom đủ tiền để thanh toán hóa đơn điện.
"Mỗi ngày khách sạn thu 1 hoặc 3 triệu, riêng tiền điện của toàn công ty đã 3 - 4 trăm nghìn đồng", cô nói.
Song nữ quản lí cũng nhấn mạnh rằng, ngay khi tình hình tài chính trở nên khả quan hơn, khách sạn sẽ yêu cầu bộ phận kế toán chi trợ cấp cho nhân viên tạm nghỉ việc.
Với những người không thể nghỉ việc, khách sạn sẽ tạo điều kiện để họ làm 18 ngày công và hưởng mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng từ ngày 1/3. Lương của bếp trưởng là 20 triệu đồng nhưng mức lương sắp tới cũng sẽ là 4 triệu đồng như những nhân viên bình thường.
Nhấn mạnh rằng ranh giới giữa cấp quản lí và nhân viên sẽ không tồn tại với chính sách tạm thời trong giai đoạn khó khăn, nữ quản lí kêu gọi những người hưởng lương cao không so đo khi nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về tác động của covid-19, nữ quản lí thổ lộ rằng bà chưa từng chứng kiến tình cảnh tương tự trong nhiều năm làm nghề. Bà nói rằng khi dịch SARS bùng phát, Hà Nội chỉ có 10 khách sạn, và khách sạn lớn nhất cũng chỉ có khoảng 15 nhân viên.
"Khi SARS xảy ra, 10 người nghỉ không lương, còn 5 người đi làm nhưng nhận 20% lương. Giá phòng hồi đó cũng chỉ tầm 6-7 USD/đêm, nhưng vẫn có khách tới 9 tháng", bà kể.
Do vậy, nữ quản lí nhận định dịch covid-19 gây tác hại dữ dội hơn SARS vì lây lan nhanh hơn.
Đặc thù của ngành khách sạn, theo nữ quản lí, khác hoàn toàn những ngành như thời trang, nội thất. Nếu một phòng khách sạn không có người đặt, chủ khách sạn vẫn phải bỏ tiền cho chi phí phát sinh.
"Nhiều người không làm ngành này nên họ nói rất vô cảm nhưng chúng ta sống trong ngành này phải hiểu, nỗi đau mà chúng ta không thể chia sẻ được", bà nói.