|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kịch bản nào cho mục tiêu xuất khẩu da giày năm 2020?

14:05 | 01/07/2020
Chia sẻ
Để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA và thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm nay, việc liên kết chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư hay ứng dụng tự động hóa và công nghệ 4.0 là những thách thức lớn đặt ra với ngành da giày.

Tại "Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020" tổ chức ngày 30/6 tại TP HCM, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết theo mục tiêu đề ra, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, túi xách Việt Nam sẽ đạt 24 tỉ USD. 

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tính đến tháng 6/2020, xuất khẩu da giày của Việt Nam hiện chỉ đạt hơn 9 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kì năm 2019, đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 2 thập kỉ qua khi toàn bộ cửa hàng từ châu Âu sang Mỹ đều đóng cửa hàng loạt, doanh thu rơi tự do.

Tính riêng tháng 5/2020, xuất khẩu của ngành da giày đã giảm đến 39% so với cùng năm 2019, trong khi một số nhãn hàng lớn trên toàn cầu đưa ra dự báo tiêu thụ sản phẩm giày dép sẽ giảm đến 40% so với năm 2019, trở về mức tiêu thụ thấp mà năm 2014 đã ghi nhận.

Kịch bản nào cho mục tiêu xuất khẩu da giày năm 2020? - Ảnh 1.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, Phó Chủ tịch Lefaso đưa ra hai kịch bản cho ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam từ đây đến hết năm 2020.

Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành sẽ đạt mức "trung bình", tương ứng với 13,4 tỉ USD, bằng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 và dần hồi phục thông qua việc đặt hàng trở lại từ tháng 7/2020 khi các yếu tố đỉnh dịch, mức độ lây nhiễm và khả năng hồi phục bán hàng từ các nhà đặt hàng trở lại mức bình thường.

Với kịch bản xấu hơn, khả năng hồi phục đơn hàng bắt đầu từ tháng 9/2020 và sản xuất sẽ khôi phục 100% từ tháng 2/2021 trở đi, khi đó kim ngạch xuất khẩu của ngành trở về mức năm 2014, tương ứng 11,3 tỉ USD.

"Sau dịch COVID-19, ngành sản xuất da giày túi xách thế giới đã buộc phải "phân công" lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo đó theo đó, vị trí thống lĩnh ở mức 60-70% thị phần thế giới của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 45-50%. 

Trong khi Việt Nam cùng với các quốc gia khác, gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia sẽ cân bằng tỉ lệ còn lại của thế giới", ông Kiệt thông tin.

Còn với đánh giá của của ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, Việt Nam hiện đang chiếm lợi thế là nước an toàn về các mặt trong và sau dịch COVID-19.

Do đó, để nắm bắt được cơ hội phát triển chuỗi cung ứng, tăng trưởng đơn hàng, thu hút đầu tư, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhất thiết các doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi và xác lập chiến lược kinh doanh phù hợp ngay từ bây giờ để có năng lực đón đầu, tiếp nhận sự dịch chuyển.

Kịch bản nào cho mục tiêu xuất khẩu da giày năm 2020? - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020 tổ chức ngày 30/6 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Ngoài ra, theo Lefaso, việc kí kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại lợi ích lớn cho ngành da giày Việt Nam, sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế, củng cố các hoạt động thương mại cho ngành giày dép, túi xách tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức như ảnh hưởng của bảo hộ thương mại, chi phí lao động tăng và năng suất lao động thấp, ứng dụng tự động hóa và công nghệ 4.0 còn hạn chế. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến cả chuỗi cung ứng và phân phối của ngành.

Do đó, để chuẩn bị cho EVFTA nhiều doanh nghiệp đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của EVFTA. 

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết công ty đã có kế hoạch cải tổ lại nhà xưởng, kiểm tra và đầu tư máy móc tốt nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị cho việc tăng thị phần châu Âu trong thời gian tới.

Đặc biệt, với việc hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, ngành da giày cũng nhắm tới đích tăng giá trị cho sản phẩm từ EVFTA. 

"Chúng ta phải lấy các cơ hội của EVFTA để làm cơ hội tăng giá trị. Giờ doanh nghiệp làm đôi giày 10 USD thì thuế bằng 0%, và đôi giày 20 USD, 50 USD cũng bằng 0%, như vậy mục tiêu của ngành không phải là đôi giày 10 USD mà phải làm đôi giày 20 USD, 30 USD, hoặc cao hơn", Phó Chủ tịch Lefaso chia sẻ.

Như Huỳnh