Kỉ nguyên dầu mỏ khép lại, bóng đêm phủ lên một trong những quốc gia giàu nhất thế giới
Năm 2016, Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ của Kuwait là ông Anas Al-Saleh cảnh báo rằng đã đến lúc cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho cuộc sống hậu kỉ nguyên dầu mỏ. Người dân Kuwait đã chế nhạo ông, do họ lớn lên trong thời đại mà dường như dòng chảy petrodollar sẽ không bao giờ chấm dứt.
4 năm sau, đất nước thuộc nhóm giàu nhất thế giới phải sống lay lắt trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm mạnh. Nhiều người đã đặt các câu hỏi thâm thúy về cách các quốc gia Vịnh Arab được vận hành.
Ông Al-Saleh đã rời đi từ lâu, chuyển sang các vị trí nội các khác. Bà Mariam Al-Aqeel, người kế nhiệm của ông bỏ đi vào tháng 1/2020, hai tuần sau khi đề nghị Kuwait tái cấu trúc dự luật tiền lương trong khu vực công - lực cản lớn nhất đối với tài chính nhà nước.
Tháng trước, người thay thế bà là ông Barak Al-Sheetan tuyên bố nhà nước không có đủ tiền để trả lương công chức sau tháng 10.
Theo Bloomberg, sự chậm trễ trong việc điều chỉnh thói quen chi tiêu lớn trong khi doanh thu dầu giảm đang kéo lê các quốc gia vùng Vịnh tiến tới giây phút thức tỉnh mà họ đã cố tránh né. Tình trạng này thúc đẩy các cuộc tranh luận mới về tương lai của những quốc gia đã mua lòng trung thành của người dân bằng của cải nhà nước trong suốt nhiều thập kỉ.
Ông Fawaz Al-Sirri, người đứng đầu công ty truyền thông tài chính và chính trị Bensirri mỉa mai: "Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thức dậy và nhận ra mình đã tiêu hết tiền tiết kiệm. Nguyên nhân không phải là chúng ta quên kiểm tra bản sao kê ngân hàng. Chúng ta đã xem nó, tự nhủ có thể đây là sự cố ngân hàng rồi đi mua mẫu Rolex mới nhất".
Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã vực dậy được giá dầu từ cú lao dốc lịch sử trong năm nay, nhưng 40 USD/thùng vẫn là quá thấp. COVID-19 và sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo đe dọa sẽ kìm hãm giá dầu.
Saudi Arabia cắt giảm phúc lợi và áp thuế. Hai quốc gia có trữ lượng dầu dồi dào là Bahrain và Oman phải đi vay và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng giàu có hơn. UAE tiến hành đa dạng hóa với sự nổi lên của Dubai với tư cách là trung tâm tài chính và logistics.
Tuy nhiên, tại Kuwait, xung đột giữa quốc hội và chính phủ đã dẫn tới sự bế tắc trong chính sách. Quốc hội Kuwait được dân bầu còn thủ tướng lại do tiểu vương bổ nhiệm. Giới lập pháp đã bác bỏ kế hoạch phân bổ lại các khoản tài trợ của nhà nước và chặn các đề xuất phát hành nợ.
Theo Bloomberg, chính phủ Kuwait gần như đã cạn kiệt mọi tài sản lưu động, khiến họ không thể bù đắp khoản thâm hụt ngân sách dự kiến lên tới gần 46 tỉ USD trong năm nay.
Kuwait đã dần tụt dốc trong thời gian qua. Khoảng nửa thế kỉ trước, Kuwait là một trong những quốc gia năng động nhất vùng Vịnh, có các nhà lập pháp thẳng thắn, di sản kinh doanh và người dân có học vấn.
Nền kinh tế Kuwait bị rung chuyển bởi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phi chính thức năm 1982 và cuộc chiến kéo dài gần thập kỉ giữa Iran và Iraq. Kuwait mạnh tay chi tiêu để xây dựng lại kinh tế sau khi cuộc tấn công của Saddam Hussein khơi mào cho Chiến tranh vùng Vịnh 1991. Phải mất nhiều năm, dầu mới được chảy tự do trở lại.
90% thu nhập của Kuwait đến từ dầu. 80% người lao động Kuwait thuộc biên chế nhà nước và kiếm được nhiều hơn hẳn lao động trong khu vực tư nhân. Tổng cộng, phúc lợi nhà ở, nhiên liệu và thực phẩm một gia đình bình thường được nhận có thể lên đến 2.000 USD.
Tiền lương và trợ cấp chiếm 3/4 chi tiêu của nhà nước. Chính khoản chi này dẫn tới năm thâm hụt thứ 7 liên tiếp của Kuwait kể từ đợt sụt giảm giá dầu năm 2014.
Kuwait vẫn còn rất nhiều tiền được cất giữ trong Quĩ Thế hệ Tương lai - quĩ đầu tư quốc gia lớn thứ 4 thế giới, với qui mô ước tính 550 tỉ USD. Tuy nhiên, do mục tiêu của quĩ là đảm bảo cho sự thịnh vượng của đất nước sau khi dầu cạn kiệt, đề xuất rút tiền vấp phải nhiều phản đối.
Một số người Kuwait nói rằng đã đến lúc Quĩ Thế hệ Tương lai được sử dụng. Phe phản đối cảnh báo rằng nếu không đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra việc làm, số tiền khổng lồ trên sẽ hết sạch sau 15 – 20 năm.
Ông Jassim Al-Saadoun, người đứng đầu Công ty Tư vấn Kinh tế Al-Shall nhận xét: "Dù cạn tiền mặt, Kuwait không gặp phải vấn đề về khả năng thanh toán".
Quĩ Thế hệ Tương lai của Kuwait đã ra tay giải cứu, mua vào hơn 7 tỉ USD tài sản tài chính từ Kho bạc trong những tuần qua. Quốc hội Kuwait phê chuẩn kế hoạch ngừng chuyển 10% doanh thu dầu mỏ hàng năm tới Quĩ Thế hệ Tương lai trong thời kì thâm hụt ngân sách. Nhờ vậy, ngân sách được giải phóng thêm 12 tỉ USD, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp thâm hụt.
Để đạt mục tiêu này, chính phủ bắt buộc phải đi vay. Nhưng sau đợt phát hành Eurobond đầu tiên vào năm 2017, luật nợ công của Kuwait đã mất hiệu lực. Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Al-Sheetan đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch vay mượn 65 tỉ USD.
Yêu cầu của ông Al-Sheetan được đưa ra trùng với thời điểm xảy ra hàng loạt bê bối tham nhũng bao gồm cả các thành viên cấp cao của hoàng gia. Quốc hội yêu cầu chính phủ chấm dứt nạn hối lộ trước khi tích lũy thêm nợ nần.
Ông Al-Sheetan là bộ trưởng tài chính thứ 4 của Kuwait trong 4 năm. Kể từ 2006, Kuwait có 16 chính phủ và 7 cuộc bầu cử.
Sự bế tắc đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Vào tháng 3, S&P Global Ratings hạ triển vọng tín dụng của Kuwait từ ổn định xuống tiêu cực. Moody's Investors Service có động thái tương tự. Cũng trong tháng 3, Quĩ Tiền tệ Quốc tế nói rằng "cửa sổ cơ hội để Kuwait giải quyết thách thức từ vị thế có lợi đang khép lại".
Ông Fawaz Al-Sirri, Giám đốc điều hành công ty truyền thông tài chính và chính trị Bensirri nói: "Hệ thống niềm tin tại Kuwait là chúng ta sẽ mãi mãi giàu có. Không ai ở Kuwait có năng lực chính trị để nói với người dân rằng bữa tiệc sẽ sớm kết thúc nếu chúng ta không ủng hộ thay đổi".