|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc âm thầm mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở vùng Vịnh

11:28 | 30/07/2020
Chia sẻ
Tại cuộc họp thứ 9 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Arab diễn ra vào tháng 7 này, quan chức các bên cam kết sẽ "tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực và nắm bắt triển vọng xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - Arab hướng đến một tương lai chung".
Trung Quốc âm thầm mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở vùng Vịnh - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Vua Salman bin Abdulaziz của Arab Saudi. (Ảnh: AP)

Vùng Vịnh cần động lực để thúc đẩy kinh tế

Theo World Politic Review, cuộc gặp Trung Quốc - Arab nói trên chắc chắn sẽ khơi lại các cuộc tranh luận về bản chất tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Vịnh.

Các diều hâu có quan điểm bài xích Trung Quốc tại Washington thường cường điệu hóa sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh tại vùng Vịnh bằng cách chĩa mũi dùi vào các mối đe dọa liên quan doanh nghiệp Trung Quốc.

Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies hay hãng dược phẩm BGI Group hiện đang tham gia xây dựng các trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Trung Đông.

Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích khác lại xem nhẹ ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở vùng Vịnh. Họ chỉ ra số liệu kém ấn tượng về chi phí vốn, số lượng việc làm và đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Bắc Kinh rót vào khu vực này.

Cả hai quan điểm trên đều có phần đúng nhưng lại bỏ lỡ một điểm quan trọng: ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc tại vùng Vịnh tốt nhất nên được đánh giá một cách gián tiếp.

Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiêu thụ phần lớn xuất khẩu dầu và khí ga của vùng Vịnh, tích cực đầu tư vào các công ty có liên kết với chính phủ và cung cấp dịch vụ kĩ thuật số mượt mà cho nhóm dân số trẻ và đông đảo của khu vực này.

Đại dịch COVID-19 và giá dầu thô lao dốc hồi đầu năm 2020 đã trao cho Trung Quốc cơ hội tăng cường và mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên khắp vùng Vịnh, đặc biệt là trong trung và dài hạn.

Trung Quốc âm thầm mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở vùng Vịnh - Ảnh 2.

7 nước vùng Vịnh gồm Arab Saudi, Iraq, Kuwait, Bahrain, Qatar, UAE và Oman. Ảnh: Getty Images

Lĩnh vực dầu khí nói riêng đã chiếm hơn 70% doanh thu nhà nước của hầu hết các quốc gia Arab ở vùng Vịnh và Trung Quốc lại là khách hàng lớn của ngành dầu khí khu vực này.

Mặc dù các quốc gia vùng Vịnh đang cố đa dạng hóa nền kinh tế, chi tiêu chính phủ và các ngành công nghiệp liên quan đến dầu khí vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

Dù gián tiếp nhưng Bắc Kinh lại đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ các nước vùng Vịnh phân bổ chi phí vốn, tạo việc làm, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đưa ra các sáng kiến thu hút đầu tư.

Tỉ lệ xuất khẩu dầu khí của vùng Vịnh đến Trung Quốc không chỉ tăng trong những năm gần đây mà còn cao đột biến ở một số nước. Kể từ năm 2014, Trung Quốc tiêu thụ hơn 70% tổng lượng dầu thô xuất khẩu hàng năm của Oman, thậm chí tỉ lệ này còn tăng lên gần 90% trong tháng 4 và tháng 5 năm nay.

Arab Saudi xuất khẩu khoảng 33% tổng sản lượng dầu thô sang Trung Quốc trong tháng 5/2020, tăng từ mức trung bình hàng năm 13,6% của năm 2014.

Năm ngoái, xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi đến Trung Quốc tăng 47% so với cùng kì năm trước, theo đó quốc gia vùng Vịnh này vượt Nga để trở thành nhà cung ứng hàng đầu của đất nước tỉ dân. Dù ít cực đoan hơn, xu hướng trên cũng xuất hiện ở các nước khác như Kuwait và Qatar.

Sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ trong đại dịch COVID-19 cho thấy các nước vùng Vịnh cần nhanh chóng tạo ra các nguồn thu khác. Tư nhân hóa các công ty nhà nước cũng như các hình thức hợp tác công - tư khác đóng vai trò trung tâm trong chiến lược đa dạng hóa kinh tế chậm chạp của các quốc gia vùng Vịnh.

Đối mặt với thâm hụt tài khóa có thể tương đương đến 25% GDP năm 2020, các chính phủ vùng Vịnh đang đẩy nhanh những sáng kiến trên cũng như thu hút nhà đầu tư. Chiến lược này tạo ra cơ hội "trời cho" để các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng chỗ đứng trong các lĩnh vực chiến lược trên khắp khu vực.

Dấu chân Trung Quốc tại vùng Vịnh

Các quan hệ đối tác đầu tư Trung Quốc - vùng Vịnh trước đây giúp hình thành một khuôn mẫu cho những thỏa thuận trong tương lai.

Tháng 12/2019, chính phủ Oman đã huy động được 1 tỉ USD thông qua thỏa thuận bán 49% cổ phần của Công ty Truyền phát Điện Oman cho Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc - một gã khổng lồ ngành điện tại đất nước tỉ dân.

Tương tự, vào tháng 5 vừa qua, Quĩ Con đường Tơ lụa thuộc sở hữu của chính quyền Bắc Kinh đã hoàn tất thỏa thuận mua 49% cổ phần của công ty năng lượng tái tạo thuộc tập đoàn ACWA Power (trụ sở tại Arab Saudi).

Quĩ Con đường Tơ lựa và các công ty nhà nước khác của Trung Quốc, đơn cử như Sinopec Group và China Investment Corp., đã từng thảo luận khả năng tham gia vào phi vụ IPO của Saudi Aramco.

Dù các khoản đầu tư trên không thành, các doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng cho các sáng kiến kinh tế của vùng Vịnh trong tương lai.

Ngay cả khi kế hoạch cho các sáng kiến phát triển kinh tế và dự án cơ sở hạ tầng qui mô lớn trong khu vực có thể bị đình trệ vì lí do ngân sách, các công ty Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ về công nghệ và dịch vụ cho các tổ chức chính phủ và thương mại ở vùng Vịnh.

Tháng trước, một công ty đầu tư của Arab Saudi có tên Batic đã kí thỏa thuận cùng Huawei xây dựng thành phố thông minh tại vương quốc dầu mỏ này. Tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông Oman cũng kí thỏa thuận với Huawei để xúc tiến cơ sở hạ tầng kĩ thuật số của đất nước và củng cố tăng trưởng cho lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Tương tự, Cơ quan Điện và Nước Dubai đang cùng Huawei nghiên cứu các cách để tăng cường hợp tác về chuyển đổi kĩ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Công dân trẻ và người dân ở vùng Vịnh ngày càng quen mặt với các dịch vụ và ứng dụng mạng từ Trung Quốc. Nhắm đến bộ phận dân số trẻ của vùng Vịnh có thể tạo ra lợi ích đáng kể cho các công ty Trung Quốc, vì tỉ lệ dân số dưới 25 tuổi ở khu vực này nhìn chung khá cao, từ 25% ở Qatar đến 50% ở Oman.

Đồng thời, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Huawei cũng đang trong một cuộc chiến khốc liệt nhằm tăng thị phần trên toàn cầu và thúc đẩy doanh thu trên thị trường quốc tế.

Thu nhập bình quân đầu người tương đối cao và tỉ lệ phổ biến Internet trong giới trẻ vùng Vịnh đã làm tăng sức hấp dẫn của phân khúc khách hàng này.

Một trường hợp đáng chú ý là TikTok, ứng dụng chia sẻ video của công ty ByteDance. TikTok đã mở một văn phòng khu vực tại Dubai vào năm 2018. Chỉ một năm sau, Arab Saudi đã xếp hạng 8 về tổng lượng người dùng TikTok trên thế giới, với gần 10 triệu người.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với sản phẩm dầu khí vùng Vịnh có thể suy yếu trong tương lai và tiềm năng của thị trường năng lượng mới có thể thay đổi vị thế của đất nước tỉ dân trong lĩnh vực dầu khí khu vực này.

Cùng lúc, sự tham gia của Trung Quốc vào các lĩnh vực phi dầu khí của vùng Vịnh sẽ tăng lên. Điều này không chỉ đảm bảo một chỗ đứng cho Trung Quốc trên chiếc bàn kinh tế vùng Vịnh mà còn khẳng định dấu ấn Trung Quốc như một đối tác có tầm ảnh hưởng trong vài thập kỉ tới.

Yên Khê