|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Tập Cận Bình thể hiện tham vọng toàn cầu và chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc

12:02 | 29/07/2020
Chia sẻ
Trung Quốc lặp lại cam kết hướng đến chủ nghĩa đa phương và tham vọng toàn cầu thông qua việc hỗ trợ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của AIIB, ngân hàng phát triển này có đủ sức cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện tham vọng toàn cầu và chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc nỗ lực để biến AIIB thành "kiểu mẫu ngân hàng phát triển đa phương mới", "nền tảng phát triển mới" và "mô hình hợp tác đa phương mới".

Ông Tập phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thường niên lần thứ 5 của ngân hàng AIIB tại Bắc Kinh vào hôm 28/7. Hội nghị này được tổ chức trực tuyến do lo ngại về COVID-19. 

Theo South China Morning Post (SCMP), phát biểu của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung diễn ra gay gắt, khiến nhiều người lo ngại hai cường quốc này sắp bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới.  

Bắc Kinh cũng đang phải chịu sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế đối với chính sách ngoại giao cứng rắn liên quan tới COVID-19 và luật an ninh quốc gia Hong Kong. Trong khi đó, Washington lại đang kêu gọi các nước lập liên minh chống Trung Quốc.

Ông Tập khẳng định: "Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn ủng hộ và thực hành chủ nghĩa đa phương, cũng như cam kết phát triển thông qua việc hợp tác mọi quốc gia trên tinh thần cởi mở và cùng có lợi".

Theo ông Tập, thế giới cần "phương pháp quản trị toàn cầu toàn diện hơn, quản trị đa phương hiệu quả hơn và tăng cường hợp tác khu vực" để đương đầu với khủng hoảng và thách thức trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Ông Tập cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các thành viên để hỗ trợ AIIB, giúp ngân hàng này thành công và đóng góp nhiều hơn cho sự đối phó của thế giới đối với các rủi ro và thách thức. 

Ngân hàng AIIB được thành lập bởi 57 thành viên, Trung Quốc có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn nhất. AIIB chính thức đi vào hoạt động vào ngày 16/1/2016, trong giai đoạn đỉnh cao của các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quảng bá và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường.

AIIB đã mở rộng và hiện có 102 thành viên trên khắp thế giới - không bao gồm Mỹ và Nhật Bản – và đã phê duyệt tổng cộng 19,6 tỉ USD cho 87 dự án cơ sở hạ tầng và kết nối tại 24 nền kinh tế.

AIIB đã thiết lập dự án Cơ sở Phục hồi từ Khủng hoảng COVID-19 để giúp các thành viên đối phó với dại dịch. Hồi tháng 4, AIIB thông báo sẽ tăng gấp đôi các khoản tài trợ lên đến 10 tỉ USD cho tới tháng 10 năm sau. Cho tới nay, AIIB đã phê duyệt 5,9 tỉ USD tiền tài trợ cho 12 thành viên để đối phó khẩn cấp với COVID-19.

Ông Tập đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của AIIB để trợ giúp các thành viên kiểm soát COVID-19 và hồi sinh nền kinh tế: "Đây là một ví dụ điển hình về sức mạnh hành động của AIIB", tờ Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập. 

AIIB đã nhiều lần phủ nhận ngân hàng này có ý định thay thế các tổ chức tài chính quốc tế hiện tại và là công cụ phục vụ cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

AIIB khẳng định bản thân là thành viên mới của hệ thống ngân hàng phát triển đa phương hiện đại và đã triển khai các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

AIIB được thành lập với số vốn 100 tỉ USD. Trung Quốc nắm giữ 26,6% cổ phần có quyền biểu quyết. Ấn Độ là cổ đông lớn thứ hai, sở hữu 7,01% cổ phần biểu quyết.

Giang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.