|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kì lân càng ráo riết 'nuốt' startup ở Đông Nam Á, giới đầu tư càng phấn khởi

13:56 | 12/09/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh phát hành cổ phiếu không phải là giải pháp tiềm năng để startup ở Đông Nam Á huy động vốn, giới đầu tư đặt hi vọng vào chiến lược thôn tính của các kì lân như Go-Jek, Grab.

Đối với Philippines, một đất nước mà thành công hiếm khi mỉm cười với các công ty khởi nghiệp muốn niêm yết cổ phiếu, việc công ty thanh toán trực tuyến Coins "bán mình" hồi tháng 1 là một thương vụ đình đám, theo Nikkei.

Thay vì huy động vốn qua phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), Coins quyết định trở thành công ty con của Go-Jek với giá hơn 70 triệu USD.

"Đó là bằng chứng cho thấy các startup thanh toán trực tuyến thực sự có giá trị. Tôi hi vọng sự thành công của Coins sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ khởi nghiệp tiếp theo và cho các nhà đầu tư thấy rằng mối quan tâm đối với doanh nghiệp Đông Nam Á vẫn tồn tại", Paul Santos, giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Philippines), phát biểu.

Bức tranh đầu tư mạo hiểm có thể đổi màu

Coins là một trong số 11 startup mà Go-Jek mua trong 3 năm qua, một tốc độ chóng mặt. Sự cuồng nhiệt trong hoạt động thâu tóm của Go-Jek có thể dẫn đến sự thay đổi trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, theo đó giới đầu tư có thể đặt hi vọng vào các kì lân như Go-Jek để thoái vốn, thay vì trông chờ triển vọng IPO.

Ở Đông Nam Á, Go-Jek đã trở thành một lựa chọn giá trị để giới đầu tư bán cổ phần của họ trong các startup.

Go-Jek

"Bức tranh IPO ở Đông Nam Á tương đối nhỏ. Ngoài Singapore và Hong Kong, các công ty khởi nghiệp không có nhiều lựa chọn để niêm yết cổ phiếu", Michael Lints, một nhà quản lí của Quỹ Golden Gate Ventures ở Singapore, nói với Nikkei.

Một báo cáo gần đây của Quỹ Golden Gate Ventures ước tính số lượng công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á "bán mình" cho doanh nghiệp khác, quĩ đầu tư hay niêm yết cổ phiếu sẽ tăng tới 759 trong khoảng thời gian từ năm 2023 tới 2025.

Hơn 80% vụ thoái vốn có thể diễn ra theo hình thức mua công ty, theo báo cáo. Quỹ Golden Gate Ventures dự đoán chỉ 22 startup huy động vốn bằng hình thức lên sàn chứng khoán trong giai đoạn 2023-2025.

Những "kẻ thôn tính" sẽ là Go-Jek và các kì lân (doanh nghiệp có giá trị từ một tỉ USD trở lên) khác. Họ cần mua lại các doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng.

"Chúng ta đang thấy  nhiều kì lân mua lại startup khác để tiếp sức cho đà tăng trưởng của họ. Đối tượng mà họ mua có thể là công ty bổ trợ cho sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến lược mở rộng thị trường của họ", Lints phát biểu. 

Lints tin rằng xu hướng kì lân mua lại startup sẽ tiếp tục trong bối cảnh các kì lân tìm cách tăng thị phần.

Làn sóng thôn tính startup đang mạnh hơn

Với sự hậu thuẫn của các tập đoàn lớn như Google, Tencent và JD.com, Go-Jek đã trở thành doanh nghiệp thôn tính nhiều công ty nhất ở Đông Nam Á. Song các doanh nghiệp khác đang bám sát họ. Trax, một công ty phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo, đã mua 3 công ty chỉ trong năm nay.

Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia và nhận vốn của tập đoàn viễn thông SoftBank, vừa mua công ty tổ chức đám cưới Bridestory, cũng ở Indonesia, hồi tháng 6. 

Mua lại là một cách để các doanh nghiệp bành trướng khắp Đông Nam Á, một khu vực mà nhu cầu và pháp lí ở từng địa phương rất khác biệt. Traveloka, một kì lân công nghệ du lịch ở Indonesia, mua lại các đối thủ ở Philippines và Việt Nam vào năm ngoái.

Sự xuất hiện của những "kẻ mua" như Go-Jek rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh giới phân tích dự đoán IPO vẫn là thách thức lớn đối với giới startup. Nhiều nước thiếu tầng lớp đầu tư đủ lớn để có thể mua cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ lên sàn. 

Một số sàn giao dịch chứng khoán cũng ban hành những quy định để ngăn chặn những doanh nghiệp chưa có lợi nhuận niêm yết cổ phiếu.

Golden Gate nhận định hoạt động mua lại của giới doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư sẽ tăng do nền kinh tế Đông Nam Á đang trở nên hấp dẫn hơn.

Xu hướng ấy là tín hiệu vui đối với những quĩ đầu tư mạo hiểm, bởi họ có thể thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngay cả khi thị trường chứng khoán chưa phát triển. Công chúng đánh giá quĩ mạo hiểm dựa trên khả năng thoái vốn và hoàn vốn cho nhà đầu tư. 

Việc thoái vốn thành công khỏi các công ty càng diễn ra thường xuyên, quĩ mạo hiểm càng có nhiều cơ hội để huy động khoản vốn lớn hơn, tạo ra một vòng xoáy tích cực. Tuy nhiên, nó cũng khiến các nhà đầu tư vào startup trong giai đoạn đầu sẽ phụ thuộc ngày càng lớn vào khả năng của những kì lân như Go-Jek hay Grab để tiếp tục huy động khoản vốn lớn.

152 công ty huy động thành công 9 tỉ USD từ IPO ở Đông Nam Á trong năm ngoái, theo dữ liệu của hãng kiểm toán Deloitte.

Nếu nhu cầu đầu tư mạo hiểm giảm trên phạm vi toàn cầu, nguy cơ chững lại sẽ tăng, theo giới phân tích. Giới chức Mỹ giám sát rất chặt chẽ những công ty đang lỗ nặng nhưng lại định giá quá cao để niêm yết cổ phiếu.

Uber, "anh cả" trong mảng gọi xe, tự định giá hơn 60 tỉ USD trước khi IPO, nhưng vốn hóa của họ giảm xuống mức 54 tỉ USD ngay sau phiên giao dịch đầu tiên. WeWork, hãng cung cấp không gian làm việc chung, tự định giá 47 tỉ USD, nhưng sau đó họ tự giảm giá trị xuống dưới mức một nửa con số đó.

"Chừng nào nền kinh tế còn tiếp tục tăng trưởng, ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận vẫn là lựa chọn dễ với doanh nghiệp", giáo sư Claudia Zeisberger, một thành viên trong nhóm lập báo cáo của Golden Gate Ventures, bình luận. 

Mặc dù vậy, Claudia lưu ý rằng, nền kinh tế sẽ không tăng trưởng mãi.

"Vào một thời điểm nào đó, các kì lân sẽ phải chứng minh rằng họ có thể sống sót trong thời kì suy thoái mà không nhận vốn mới", vị giáo sư nhấn mạnh.

Luân Thường

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.