|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khủng hoảng giữa Nga và Ukraine sẽ bẻ gãy liên minh OPEC+?

17:21 | 02/03/2022
Chia sẻ
Mối quan hệ hợp tác khăng khít giữa các thành viên OPEC+, đặc biệt là trong thời đại dịch, đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ sau khi Nga mang quân tấn công Ukraine.

Nguy cơ rạn nứt trong OPEC+

Các động thái quân sự của Điện Kremlin tại nước láng giềng Ukraine có thể sẽ tạo ra tác động tiêu cực tới sợi dây liên kết giữa các nước thành viên OPEC+, oilprice.com nhận định.

Công thức thành công của liên minh Riyadh - Moscow - Abu Dhabi đang lâm nguy vì các cường quốc phương Tây có thể gây áp lực buộc Arab Saudi, UAE và các nước OPEC+ khác phải từ bỏ quan hệ hợp tác chiến lược với Nga.

Một vài ngày tới có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai của OPEC+, đặc biệt là nếu chính quyền Moscow và Kiev chưa tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán và quân Nga tiếp tục tấn công Ukraine.

Hiện tại, tuyên bố từ chính phủ các nước thành viên OPEC+ nhìn chung vẫn nặng tính ngoại giao, chủ yếu kêu gọi Moscow xuống thang căng thẳng. Nhìn vào phản ứng có phần cọc cạch của phương Tây với chiến sự tại Đông Âu, các nước Arab vẫn còn cơ hội để điều chỉnh hướng đi.

Tuy nhiên, nếu Washington, London và Brussels cùng đáp trả Moscow về mặt chính trị lẫn quân sự thì các ông lớn trong OPEC+ có thể phải đưa ra lựa chọn: đứng về phía Nga - một trong các thủ lĩnh thực tế của OPEC+ hay đồng minh phương Tây.

Phương Tây sẵn sàng thực hiện một chiến lược dài hạn với Trung Đông vì vai trò trọng yếu của khu vực này về năng lượng, đầu tư và tài sản địa chính trị. Song, Mỹ và các đồng minh có lẽ không thực sự muốn Trung Đông dang tay ra với Nga.

Khủng hoảng giữa Nga và Ukraine sẽ bẽ gãy liên minh OPEC+? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện vui vẻ cùng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại sự kiện của nhóm G20, năm 2018. (Ảnh: Reuters).

Đối với Arab Saudi và UAE - hai thủ lĩnh khác trong OPEC+, đây sẽ là một ván bài rủi ro. Một phần trong chiến lược kiểm soát thị trường dầu khí của hai nước này trong nhiều năm qua là dựa trên quan hệ hợp tác với Nga.

Trong giai đoạn đại dịch gây tổn hại nặng nề cho nhu cầu năng lượng và đẩy giá dầu thô xuống mức đáy của nhiều năm, cũng chính việc Nga tuân thủ thỏa thuận sản lượng đã giúp OPEC+ vực dậy.

Mặc dù cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang tạo ra lợi ích tài chính lớn cho các nhà sản xuất dầu thô lớn tại Trung Đông nhờ giá dầu tăng cao, các chiến lược gia của OPEC+ sẽ cần phải đánh giá lại những lợi hại nếu tiếp tục quan hệ đối tác với Nga.

Cân nhắc của các đại gia dầu mỏ Trung Đông

Ở thời điểm hiện tại, OPEC+ đang cần giải quyết một số vấn đề. Một trong các bài toán nan giải nhất chính là thiếu công suất dầu thô dự phòng, dù một số thành viên OPEC+ không thể theo kịp hạn ngạch đã được cấp.

Liên minh dầu mỏ vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch tăng dần sản lượng hàng tháng, nhưng mức tăng thực tế lại không đạt mục tiêu. Theo oilprice.com, OPEC+ đang bơm hụt khoảng 600.000 thùng dầu/ngày so với hạn ngạch đề ra.

Trong một vài tháng tới, con số có thể tăng thêm. Thiếu đầu tư vào dự án mới, sản lượng khai thác sụt giảm và cơ sở hạ tầng dầu khí cũ kỹ là những nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng thiếu hụt, công suất dự phòng khan hiếm.

Nga, với tư cách là một trong những thủ lĩnh của OPEC+, cũng đang đối mặt với một số vấn đề về khai thác dầu thô. Một số nhà phân tích cho biết công suất dự phòng của Nga hiện dưới 300.000 thùng/ngày.

Nga hiện chỉ sản xuất đâu đó khoảng 10,8 triệu thùng dầu/ngày, nhưng đáng lẽ nước này cần phải bơm khoảng 12 triệu thùng/ngày, theo các thỏa thuận của liên minh OPEC+. Nếu không đạt được các mục tiêu về sản lượng, tầm ảnh hưởng của Moscow trong OPEC+ sẽ suy giảm.

Trong khi giá dầu vẫn còn tăng cao, việc Trung Đông cắt đứt quan hệ với Nga cũng không phải quá tệ, đặc biệt là khi Arab Saudi và UAE sẽ là những nước duy nhất có công suất dự phòng lớn.

 

Song, trên mặt trận địa chính trị, tính toàn vẹn của OPEC+ cũng rất quan trọng. Trái ngược với thế kỷ 20 hoặc những năm đầu thế kỷ 21, rủi ro thiệt hơn của Trung Đông đã lớn hơn đáng kể.

Trong những năm gần đây, Riyadh, Abu Dhabi và cả Cairo đều đã trở nên chán chường vì Washington thiếu cam kết và hành động thiết thực trong vai trò là một đối tác kinh tế và quân sự với Trung Đông.

Giữa lúc đó, Moscow và Bắc Kinh đã và đang lấp đầy những khoảng trống. Các quỹ đầu tư quốc gia củaTrung Đông đang mạnh tay đầu tư vào Nga, Trung Quốc và châu Âu, trong khi Nga cũng rót vốn vào các cảng biển và khu công nghiệp trong khu vực.

Theo nhận định của oilprice.com, trong vài ngày tới, các nhà phân tích năng lượng không nên theo dõi sát diễn biến giá dầu hay tuyên bố chính thức của các quan chức OPEC+. Trọng tâm chính nên là biểu hiện của các nhà lãnh đạo của liên minh dầu mỏ tại ngày 2/3, thời điểm OPEC+ nhóm họp chính sách.

Khả Nhân