Không phải Việt Nam, EU, Nhật Bản mới là đối tác hưởng lợi lớn nhất từ xung đột thương mại Mỹ - Trung
Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng gần 30%
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 17,8 tỉ USD, tăng 29,1% so với mức tăng 11,5% cùng kì năm 2018. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong cùng khung thời gian trên giảm tới 13%.
Theo Công ty CP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, với tỉ trọng thị trường Mỹ là 22,6%, chỉ riêng việc xuất khẩu vào Mỹ tăng 29% đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,7%.
Mức đóng góp này gần như là toàn bộ mức tăng của xuất khẩu trong 4 tháng qua. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam và nếu không có thị trường này thì xuất khẩu của Việt Nam không thể tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, BVSC nhận định trong báo cáo chuyên đề "Trade-war leo thang, cơ hội lớn cho dệt may và BĐS khu công nghiệp".
Thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam và các nước ASEAN. Nguồn: Bloomberg/BVSC
Nhiều mặt hàng tăng trưởng đột biến
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, các nhóm hàng liên quan đến sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng được xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng cao đột biến so với mức tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.
Cụ thể, nhóm hàng điện thoại và các loại linh kiện xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng lên tới 94,4% trong khi tổng xuất khẩu chung các nhóm hàng này giảm nhẹ 0,4% so với cùng kì 2018. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang EU giảm 3,9%; sang Trung Quốc giảm đến 65%.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất sang Mỹ tăng mạnh 64%, vượt xa mức tăng chung 12% của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này cũng như tăng trưởng tại các thị trường khác như Trung Quốc 3,7%, EU tăng 1,8%, Hàn Quốc tăng 6,6%
Xuất khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác sang Mỹ tăng 54,7% trong khi xuất sang EU tăng 18,7%; Nhật Bản tăng 4,9%; Hàn Quốc tăng 17,9%. Mức tăng chung của nhóm hàng này cũng chỉ là 6,8%.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhóm hàng vượt mức tăng chung. Nguồn: Tổng cục Hải quan/BVSC.
Trong khi đó, các nhóm hàng liên quan đến công nghiệp chế biến và thâm dụng nhiều lao động xuất khẩu sang thị trường Mỹ 4 tháng đầu năm 2019 có mức tăng thấp hơn.
Cụ thể nhóm hàng dệt may xuất sang Mỹ chỉ tăng 9,1%, thấp hơn mức tăng xuất khẩu chung 10,2% của nhóm hàng này.
Tương tự như dệt may, xuất khẩu giày dép sang Mỹ cũng chỉ tăng 13,5%, thấp hơn mức tăng chung 14,5% của nhóm hàng.
Tuy vậy, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may và giày dép quan trọng nhất của Việt Nam với tỉ trọng lần lượt là 47% và 37%.
EU, Nhật Bản tăng mạnh thị phần tại Mỹ
Dù tăng trưởng cao 30% nhưng thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ mới chỉ tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra (6/2018).
Các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia nhìn chung không thay đổi hoặc cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,1 điểm phần trăm.
Thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Trung Quốc, EU, Nhật Bản. Nguồn: Bloomberg/BVSC.
Trong khi đó, cùng thời gian này, thị phần xuất khẩu của EU và Nhật Bản vào Mỹ lại lần lượt tăng từ mức 10,5% lên 12,5% và 4,5% lên 5,5%.
Ở chiều ngược lại, thị phần hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ giảm từ mức 16% xuống còn 12% trong một năm qua.
Xu hướng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc ngày càng rõ rệt
Theo BVSC, những số liệu trên cho thấy việc Mỹ áp thuế rõ ràng đã gây bất lợi đối với xuất khẩu của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, những nước được hưởng lợi nhất lại là các đối tác đồng minh của Mỹ như EU và Nhật Bản. Các nước mới nổi ở ASEAN, trong đó có Việt Nam cũng được hưởng lợi nhưng chưa nhiều.
Nguyên nhân là gói hàng hóa trị giá 250 tỉ USD của Trung Quốc bị đánh thuế cho đến nay phần lớn là máy móc thiết bị (chiếm 29%) và hàng hóa trung gian (chiếm 47%).
Khi những mặt hàng này của Trung Quốc đắt đỏ hơn do thuế, Mỹ đều có thể dễ dàng thay thế nguồn nhập khẩu trong một khoảng thời gian ngắn từ các đối tác thương mại khác. Đó chính là lí do thị phần phần xuất khẩu vào Mỹ của EU, Nhật Bản... tăng trong một năm qua.
Ảnh: Tin tức/TTXVN.
Ngoài ra, các hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc mang tính chất tiêu dùng như điện thoại di động, đồ điện tử, dệt may, đồ chơi, dụng cụ thể thao... cho đến nay vẫn gần như chưa bị Mỹ áp thuế.
Do đó, nhu cầu thay thế nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp Mỹ đối với những mặt hàng này sang nước khác có trình độ sản xuất và giá cả tương đồng với Trung Quốc như các nước ASEAN chưa thật sự lớn.
Thêm vào đó, việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất cần thêm thời gian để các doanh nghiệp hoàn tất việc đầu tư, xây dựng nhà xưởng và tuyển dụng nhân công.
Tuy nhiên, theo BVSC, câu chuyện này sẽ hoàn toàn thay đổi nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức cao nhất với việc Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc. Khi đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc sẽ rõ rệt hơn rất nhiều.