|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Áp lực ngành ghẹ Việt Nam khi đứng giữa cuộc chiến Mỹ - Trung

13:14 | 03/06/2019
Chia sẻ
Mức thuế 25% đã gây thiệt hại cho toàn bộ hoạt động kinh doanh ghẹ đỏ của Mỹ và quốc gia này ráo riết tìm kiếm nguồn cung ghẹ đỏ thay thế từ Việt Nam và các nước khác.
[Phần 2] Áp lực ngành ghẹ Việt Nam khi đứng giữa cuộc chiến Mỹ - Trung  - Ảnh 1.

Nguồn: Undercurrent News

Như đã đề cập từ bài trước, FIP là một dự án phát triển ghẹ đỏ ở khu vực Phúc Kiến tỉnh Chương Châu, Trung Quốc. 

Tất cả nỗ lực của dự án FIP có thể trở nên vô nghĩa khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp thuế 25% đối với mặt hàng thủy sản trị giá 250 tỉ USD gồm cá rô phi, cá ngừ, mực và ghẹ đỏ vào ngày 9/5.

Với mức thuế suất 25% mới, mỗi container chở ghẹ hiện đã chịu gánh nặng thuế quan 100.000 - 125.000 USD trả cho Dịch vụ Hải quan Mỹ trong vòng hai tuần kể từ khi nhận được.

Cả hai mức thuế 10% và 25% đã gây thiệt hại cho toàn bộ hoạt động kinh doanh ghẹ đỏ của Mỹ và vấn đề này bắt đầu dấy lên lo ngại.

Năm 2018, bất chấp mức thuế 10%, Mỹ nhập khẩu 4.794 tấn ghẹ trị giá 94,4 triệu USD, theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). Con số này phản ánh sự gia tăng 30% về khối lượng và tăng 55% về giá trị so với năm 2017.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2019, Mỹ nhập khẩu 443 tấn ghẹ trị giá 10,5 triệu USD, giảm lần lượt 63% và 48% so với cùng kì năm 2018.

Đáp lại mức thuế 10% trước đó, giá ghẹ đỏ đã tăng khoảng 2 USD/pound, ông Flax lưu ý.

Giá bán buôn ghẹ đỏ trung bình ở mức 19,8 - 20,95 USD/pound vào ngày 16/5, tương tự với mức giá ghi nhận vào ngày 25/4. Điều này cho thấy không có thay đổi nào trong việc tăng thuế lên 15%. Một nhà nhập khẩu khác nhận định mức giá hợp lí hơn sẽ là 18,5 USD/pound, nhưng giá đang có chiều hướng giảm xuống vì người tiêu dùng mua ít hơn.

Việc thiếu nguồn cung do không bảo vệ nguồn giống khi thu hoạch ghẹ đỏ và những thay đổi thuế quan gần đây làm cho các báo cáo giá trung bình ít đáng tin cậy hơn. Các nhà giao dịch hi vọng giá sẽ tăng trong tương lai gần.

Tìm nguồn cung thay thế

Ngoài ra, để đối phó với vấn đề thuế quan, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã tiếp cận Việt Nam như một nguồn cung ghẹ đỏ thay thế giúp các nhà sản xuất ở Việt Nam nhận được mức giá cao hơn. Tuy nhiên Việt Nam không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Mỹ.

Mỹ chỉ nhập khẩu 2.186 tấn ghẹ trị giá 55,2 triệu USD từ Việt Nam trong năm 2018, theo dữ liệu của NOAA. Mặc dù vậy, con số này đang tăng lên khi trong 3 tháng đầu năm 2019, Mỹ nhập khẩu 531 tấn ghẹ từ Việt Nam trị giá 13,3 triệu USD, tăng từ 10,5 triệu USD trong cùng kì năm 2018.

Một tác động khác của thuế quan là gây ra áp lực trong tìm kiếm nguồn cung ghẹ xanh từ Indonesia và các nước khác. Xu hướng này diễn ra khi giá ghẹ đỏ nhỉnh hơn giá ghẹ xanh khoảng 2 - 3 USD. Người tiêu dùng ghẹ đỏ khổng lồ đã chuyển hướng sang tìm nguồn cung ghẹ xanh và thịt càng ghẹ.

Hôm 16/5, Urner Barry cho biết giá ghẹ xanh ở mức trung bình 15,25 - 16,25 USD/pound, tương tự với mức giá ngày 25/4 và giá thịt càng ghẹ ở mức 8,8 - 9,5 USD/pound, tương đương với 8,9 - 9,65 USD/pound ghi nhận vào ngày 25/4.

Linh Giang