|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất thường trong cơ cấu thép nhập khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Việt Nam làm gì?

15:36 | 29/05/2019
Chia sẻ
Kể từ khi Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, đây là lần đầu tiên Việt Nam điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép.

Đánh thuế thép cuộn hợp kim nhưng thép cuộn không hợp kim nhập khẩu tăng "chóng mặt"

Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của xung đột thương mại giữa xung đột thương mại Mỹ - Trung, các Bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn những hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Đối với thép cuộn, thép dây, sau quá trình điều tra theo qui định của pháp luật, vào tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm phôi thép và thép dài ở dạng thanh, que, cuộn… 

Tháng 7/2016, biện pháp tự vệ chính thức được áp dụng với hiệu lực đến tháng 3/2020 nhằm đảm bảo ngành sản xuất trong nước trước sức ép từ hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là ngay sau khi Bộ Công Thương bắt đầu áp thuế, lượng nhập khẩu thép cuộn bị áp thuế tự vệ (chủ yếu là thép cuộn hợp kim) đã giảm đột ngột, từ hơn 1,15 triệu tấn năm 2015 xuống còn khoảng 700 nghìn tấn năm 2018.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, thép cuộn không hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam lại có tốc độ gia tăng "chóng mặt" trong giai đoạn tương ứng.

Bất thường trong cơ cấu thép nhập khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Việt Nam làm gì? - Ảnh 1.

Cụ thể theo số liệu hải quan, lượng thép cuộn nhập khẩu dưới các mã HS tương tự không bị áp thuế tự vệ (chủ yếu là thép cuộn không hợp kim) đã tăng từ 230 nghìn tấn năm 2015 lên 792 nghìn tấn năm 2016, tăng đến 244,16% so với cùng kì.

Trên thực tế, thép cuộn hợp kim với tỉ lệ hợp kim ở mức không đáng kể và thép cuộn không hợp kim có thể thay thế được cho nhau cả về giá cả và mục đích sử dụng. 

Rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải có chính sách để chống lại việc nhiều nhà sản xuất chỉ đưa một lượng hợp kim nhỏ vào thép nhằm lẩn tránh thuế nhập khẩu thường ở mức cao cho thép không hợp kim, Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Việt Nam mở rộng "phạm vi" sản phẩm thép bị áp thuế

Ngay sau khi phát hiện hành vi "lẩn tránh" thuế tự vệ, tháng 3/2017, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương mở rộng áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm này. 

Sau khi Luật Quản lý Ngoại thương có hiệu lực, Bộ Công Thương đã nhận được Hồ sơ đại diện ngành sản xuất trong nước đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn. 

Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương tham vấn, lấy ý kiến của các bên liên quan như nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, các công ty sử dụng thép cuộn làm nguyên liệu đầu vào… Bộ cũng đã tổ chức phiên tham vấn công khai vào tháng 1/2019 để các bên liên quan trình bày quan điểm.

Bất thường trong cơ cấu thép nhập khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Việt Nam làm gì? - Ảnh 2.

Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tự vệ đối với sản phẩm thép.

Kết quả điều tra cho thấy có hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ đối với thép dài, hành vi lẩn tránh này đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. 

Đáng chú ý, theo Cục Phòng vệ thương mại, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, trước áp lực các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trên toàn thế giới đối với sản phẩm thép và xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, việc các nhà sản xuất thép nước ngoài tìm mọi cách để xuất khẩu sang những nơi chưa dựng "hàng rào" thuế như Việt Nam là điều dễ hiểu.

Do đó, mặc dù các nhà sản xuất thép cuộn của Việt Nam đã đầu tư nhà máy, tăng công suất để đủ cho nhu cầu trong nước nhưng vẫn đang phải hoạt động dưới công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tiếp thu kiến nghị của các bên liên quan về phạm vi hàng hoá, trên cơ sở đó đã loại trừ một số sản phẩm thép cuộn trong nước chưa sản xuất được nhằm đảo bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Bộ Công thương cho rằng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại lần đầu được áp dụng tại Việt Nam nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, thuận lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và công ăn việc làm của người lao động, chống gian lận thương mại.

Đồng thời giảm khả năng hàng hóa nước ngoài Việt Nam để gia công xuất khẩu, dẫn đến nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh PVTM.

Các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã xuất hiện từ rất lâu trong thương mại quốc tế, ngay từ khi các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) ra đời.

Khi các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng phát triển thì các hành vi lẩn tránh cũng trở nên tinh vi hơn. Chính vì vậy, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cho phép các Thành viên được áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Trên thế giới, việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại không còn mới lạ, đặc biệt, đã có một số nước từng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam như Liên minh Châu Âu điều tra bật lửa năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra thép inox cùng năm đó và Mỹ điều tra thép cán nguội năm 2017.

Trên cơ sở các quy định của WTO, Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 10/2018/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương cho phép Bộ Công Thương mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để tránh hiện tượng hàng hóa nhập khẩu lẩn tránh các biện pháp này.




Như Huỳnh