Không phải Fed, chính cuộc chiến thương mại của ông Trump mới khiến đồng USD mạnh
Ảnh: Getty Images
Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump từ lâu đã đổ lỗi việc đồng USD quá mạnh cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì cơ quan này chần chừ không cắt giảm thêm lãi suất.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trên thực tế (real yield) lại cho thấy việc nhà đầu tư lo sợ về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mới chính là nguyên nhân khiến đồng USD khó đi xuống.
Bằng chứng là, đồng bạc xanh đã tăng giá so với 7 trong số 10 đồng tiền tệ chính của thế giới trong năm nay, ngay cả khi chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (đã điều chỉnh theo lạm phát) so với lợi suất trái phiếu chính phủ của một số thị trường nợ lớn khác trên thế giới đã thu hẹp kể từ tháng 11/2018.
Chỉ số USD Index đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm vào tháng 8 này, khi mà các nhà đầu tư trú ẩn vào các tài sản có độ an toàn cao do lo ngại rằng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
"Đồng USD mạnh như vậy là lẽ tự nhiên", ông Daisaku Ueno, chiến lược gia tiền tệ trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities (Tokyo), cho hay.
"Ông Trump đang tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại các nền kinh tế có thặng dư với Mỹ và khiến kinh tế Mỹ mạnh hơn nữa".
Các nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về con đường lãi suất của Fed cũng như tác dụng phụ của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các nhà hoạch định chính sách tập trung về hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào tuần này cùng cuộc họp nhóm G7 vào tuần tới.
Sự vượt trội của đồng USD đã khiến ông Trump liên tục chỉ trích rằng chính sách của Fed đã làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của Mỹ.
Chủ tịch Fed khu vực Boston Eric Rosengren, người từng bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách hồi tháng 7, vào hôm 19/8 đã hạ thấp nhu cầu nới lỏng chính sách.
Theo đó, ông cho biết bản thân không tin rằng hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ làm suy yếu đáng kể nền kinh tế Mỹ.