'Không có khả năng thấu cảm, start-up chỉ tạo ra sản phẩm vô hồn'
Nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi – CEO Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC - được cộng đồng khởi nghiệp biết đến là “bà đỡ” cho hàng ngàn startup. Bà từng thẩm định, tư vấn cho hơn 4.000 công ty, khởi xướng nhiều dự án kết nối doanh nghiệp. Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, “cá mập” Phi còn được khán giả truyền hình mến mộ bởi sự tự tin cùng những thương vụ đầu tư mạo hiểm.
Nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi – giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC. |
Nên khởi nghiệp từ sự thấu cảm
Trò chuyện trong Café Khởi nghiệp gần đây, nữ giám đốc của BSSC chia sẻ về sự thấu cảm trong hành trình khởi nghiệp. Với những quan điểm sát thực tế, chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả ngay khi phát sóng.
Hoàng Phi nói rằng, so với “sympathy” là sự chứng kiến rồi đồng cảm thì “empathy” chạm đến mức độ cảm xúc của con người khi từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Doanh nghiệp, đặc biệt những mô hình kinh doanh ra sau cần empathy (sự thấu cảm) để đặt bản thân vào khó khăn của khách hàng, hiểu họ cần gì.
“Người khởi nghiệp có hai cách đưa ra ý tưởng. Họ có thể tìm hiểu trên internet rồi đề xuất giải pháp. Hoặc, họ sử dụng dự án để giải quyết khó khăn bản thân gặp phải. Khởi nghiệp bắt đầu từ vấn đề bản thân trải qua luôn khơi gợi cảm xúc và mang lại giải pháp sâu sắc hơn”, Phi nhận định.
Hầu hết nhà sáng lập đều xuất phát từ chuyên môn, không gian nghề nghiệp và sự nếm trải riêng. Nhưng Hoàng Phi cho rằng sẽ tốt hơn nếu họ đủ thời gian nuôi nỗi đau, cảm xúc trong khó khăn tương tự khách hàng. Thậm chí, một số nhà khởi nghiệp còn đẩy mình vào hoàn cảnh giống người tiêu dùng để thấu cảm và tìm ra giải pháp tốt nhất.
Sự thấu cảm đòi hỏi nhiều thời gian
Tuy nhiên, người kinh doanh phải xác định rõ thời điểm vấn đề cần giải quyết. Bởi, sản phẩm ra đời quá sớm trên thị trường, khi nỗi đau của người tiêu dùng chưa thực sự bức thiết, sẽ không được đón nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đặt mình vào vị trí khách hàng để nói ngôn ngữ khách hàng, giúp họ cảm nhận sản phẩm giải quyết vấn đề từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Nữ CEO cho hay, nếu không có điều kiện trải qua nỗi đau giống người tiêu dùng, nhà sáng lập phải đưa mình vào môi trường thử nghiệm. Bởi, thiếu thấu cảm với khách hàng, họ chỉ tạo ra những sản phẩm vô hồn. BSSC từng đưa nhóm khởi nghiệp nông nghiệp về các trang trại để cùng sống, trải nghiệm và kiểm tra sản phẩm của họ.
“Đôi khi, sự thấu cảm không cần tốn nhiều tiền, quan trọng là nhà sáng lập có đủ đam mê, dành thời gian tìm hiểu thị trường? Đi theo khách hàng lâu dài, doanh nghiệp mới tìm ra điểm tinh tế, đáp ứng những điều cần thiết nhỏ nhặt nhất của người tiêu dùng. Một cách ở lại trái tim khách hàng lâu nhất là luôn bám sát, cải tiến theo họ. Nhiều start-up mải mê tìm kiếm những điều phức tạp trong khi thị trường cần thứ đơn giản”, Hoàng Phi bình luận.
Video: Trương Lý Hoàng Phi trong Café Khởi nghiệp.
Thử thách lớn nhất trong kinh doanh là thấu cảm
Với vai trò “cá mập săn mồi” trong Shark Tank Việt Nam, Hoàng Phi đánh giá sự thấu cảm của nhà sáng lập ở mức độ cao. Ngoài khách hàng, họ phải đặt bản thân vào vị trí nhà đầu tư để suy nghĩ.
“Shark” Phi nói rằng, nhà khởi nghiệp luôn nói họ làm vì đam mê. Nhưng sự yêu thích không phải lời nói, mà phụ thuộc vào mức độ thấu hiểu thị trường, người tiêu dùng. Người đam mê luôn biết hơn nhà đầu tư về lĩnh vực họ làm. Chữ “hơn” có thể là điều nhỏ nhặt mà chỉ khi họ dành thời gian trải nghiệm mới hiểu được.
Nữ doanh nhân điều hành BSSC hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Bà từng làm sai, nếm trải khó khăn, muốn bỏ cuộc trong 6 tháng đầu kinh doanh. Nhưng điều đó giúp bà thấu cảm nỗi đau của khách hàng là các startup.
“Mỗi lĩnh vực kinh doanh cần sự trải nghiệm khác nhau. Nhưng phần lớn công ty khởi nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính, nhân sự tại một số giai đoạn nhất định. Nhà sáng lập không cần quá nhiều lời khuyên bên ngoài vì chỉ họ mới hiểu bản thân sâu sắc nhất. Cái họ cần là một nơi lắng nghe, chia sẻ quan điểm”, bà Phi nhấn mạnh.
Từng khởi nghiệp, đồng thời cố vấn cho nhiều công ty, Hoàng Phi khẳng định, thử thách lớn nhất trong kinh doanh là sự kiên trì, khả năng thấu cảm. Nhà sáng lập phải kiên trì theo đuổi đam mê, còn người cố vấn cần dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu start-up.
"Muốn đưa ra giải pháp khả thi, họ nên nghe – thấu nỗi đau của khách hàng", bà nhấn mạnh.
Xem thêm |