Cạm bẫy vô hình trên hành trình khởi nghiệp trong vòng tay 'người khổng lồ'
Khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia nhiệt huyết của thế hệ trẻ. Nhiều người hình dung khởi nghiệp là thành lập mô hình kinh doanh rồi “bơi” ra thương trường. Trên thực tế, nhiều startup đã “chết yểu” sau một thời gian hoạt động do thiếu vốn, kinh nghiệm quản trị. Để giảm thiểu rủi ro, bước vững chắc, nhiều dự án khởi nghiệp xuất phát từ tập đoàn lớn.
Khởi nghiệp trong doanh nghiệp lớn tương tự startup tự thân, nhưng không thành lập công ty mới, riêng biệt. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn đang tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh, lựa chọn “đứng trên vai người khổng lồ” tạo ra nhiều cơ hội kèm theo thách thức cho người khởi nghiệp.
Từng làm việc gần 10 năm ở Tập đoàn Công nghệ Bkav, Nguyễn Minh Đức quyết định đầu quân cho Tập đoàn FPT vào năm 2013. Tại đây, anh chèo lái dự án Cyradar – giải pháp an ninh mạng cho doanh nghiệp, cơ quan tổ chức nhà nước. Sau 4 năm vận hành, Cyradar tách ra khỏi FPT để trở thành startup độc lập.
Nguyễn Minh Đức - người sáng lập Cyradar - chia sẻ trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp. |
Đức cho biết, Cyradar hiện là doanh nghiệp độc lập. Với danh mục khách hàng của FPT, công ty kết nối thuận lợi với nhiều đơn vị lớn như Cục an toàn thông tin, Văn phòng chính phủ, khối ngân hàng.
“Xuất phát từ tập đoàn lớn, Cyradar được hỗ trợ tài chính, mạng lưới chuyên gia giàu kinh nghiệm, mối quan hệ ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, dự án công nghệ có thể tận dụng tập khách hàng lớn sẵn có để kiểm tra tính năng sản phẩm. Ý tưởng kinh doanh mới được nhào nặn trước khi trở thành doanh nghiệp luôn thuận lợi hơn startup tự thân thiếu vốn, kinh nghiệm thị trường”, Đức nhận định.
Thay vì tự làm mọi thứ, nhà sáng lập có thể tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp lớn để rút ngắn thời gian, giảm thiểu rủi ro. Những dự án khả thi sẽ được đầu tư hoặc tách ra thành công ty độc lập. Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành Cyradar tiết lộ, FPT chỉ có 3 nhóm khởi nghiệp trong 3 năm gần đây.
Sau ba năm công tác tại FPT, Lê Việt Thắng quyết định nghỉ việc rồi mở công ty riêng mang tên 1Office. Hành trình khởi nghiệp tự thân khiến anh cảm thấy hạnh phúc hơn so với “núp dưới bóng người khổng lồ”. Anh quan niệm dự án xuất phát từ tập đoàn lớn không phải là startup.
Lê Việt Thắng, người bước vào hành trình khởi nghiệp với giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp 1Office. |
“Vòng đời quy trình làm thử, sửa sai của startup nhanh hơn do khởi nghiệp trong tập đoàn lớn chịu nhiều sự ràng buộc. Hơn nữa, sự hỗ trợ tài chính dễ dàng khiến nhà sáng lập ỷ lại, không quyết tâm sống chết cùng dự án”, Thắng bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với người sáng lập 1Office, Nguyễn Xuân Đạo – nhà sáng lập Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ BigHand cho rằng, việc đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường khó khăn hơn trong môi trường doanh nghiệp lớn bởi những ràng buộc về chính sách, quy trình phê duyệt kéo dài. Mặt khác, nhà sáng lập dễ đi vào lối mòn của người đi trước, mất khả năng sáng tạo, đặc biệt ảo tưởng sức mạnh, khả năng bản thân mà quên rằng họ đang dựa vào nguồn lực của tập đoàn.
“Tôi là nhà sáng lập, điều hành dự án thực phẩm sạch trong doanh nghiệp. Mọi kế hoạch, chiến lược kinh doanh đã hoàn thiện, chứng minh khả thi. Tuy nhiên ban quản trị không rót vốn vì trót đầu tư cho mô hình khác. Tôi gần như sụp đổ nhưng quyết định nghỉ việc và tự xây dựng BigHand đến nay. Những người khởi nghiệp trong doanh nghiệp lớn cần xác định tâm lý trước khi dự án được công nhận, đầu tư”, Đạo trải lòng.
Nguyễn Xuân Đạo – người sáng lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ BigHand. |
Xuân Đạo nhận định mọi hình thức khởi nghiệp đều có ưu nhược điểm. Nếu khởi nghiệp tự thân mang lại tự do nhưng đòi hỏi trách nhiệm lớn, thì lựa chọn “đứng trên vai người khổng lồ” tuy bị ràng buộc nhưng giúp chúng ta nhận hỗ trợ tài chính, quan hệ, kinh nghiệm. Dù khởi nghiệp theo cách nào, đích tới cuối cùng của doanh nhân vẫn là thành công. Nên nhà lãnh đạo cần nhìn xa, kiên trì đến cùng với con đường họ đã chọn.
Xem thêm |