|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học từ thất bại của CEO An Vui và ông chủ Alibaba English

09:06 | 02/10/2018
Chia sẻ
Người khởi nghiệp không nên vội vã, mà nên chuẩn bị hành trang lý tưởng, hiểu biết để tránh thất bại là quan điểm của Phan Bá Mạnh – người sáng lập Công ty Công nghệ vận tải An Vui.
 

Độ tuổi khởi nghiệp

Khởi nghiệp không có một công thức hay độ tuổi cụ thể quyết định thành công. Chủ tịch Intracom – Nguyễn Thanh Việt từng cho rằng độ tuổi khởi nghiệp dao động 18 – 81 tuổi để khẳng định mọi người đều có khả năng thành lập doanh nghiệp riêng.

Ngô Xuân Thắng, một chàng trai sinh năm 1994, bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đến nay, trung tâm đào tạo tiếng Anh giao tiếp Alibaba English do anh sáng lập đã hoạt động tròn 4 năm, lọt vào nhóm 100 doanh nghiệp trẻ Việt Nam tiêu biểu.

“Mọi người nên khởi nghiệp càng sớm càng tốt. Bởi, khởi nghiệp khi còn trẻ, mình có thể chỉ mất tiền thôi. Nhưng khi lớn tuổi, mình sẽ có nhiều thứ phải cân nhắc như gia đình, mối quan hệ. Ham muốn khởi nghiệp ở mỗi độ tuổi luôn khác nhau”, Thắng nói.

Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ ba, Xuân Thắng đã sử dụng số tiền tiết kiệm khoảng vài chục triệu đồng, và chuẩn bị những kiến thức, kế hoạch tài chính, nhân sự, truyền thông để startup. Gặt hái thành công ở thị trường Hà Nội, anh đưa mô hình kinh doanh về thành phố Vinh, rồi nhận ra sai lầm.

Dù thất bại kế hoạch mở rộng công ty tại Vinh, nhưng chàng trai 24 tuổi cho rằng kết quả đó xứng đáng. Mọi phân tích thị trường, tài chính, marketing chỉ diễn ra trên bàn giấy. Vào thực tế, anh mới biết chiến lược khả thi hay thiếu hợp lý. Với anh, khởi nghiệp giống như cuộc chơi của người trẻ và mất tiền không phải mất mát, mà để mua kinh nghiệm.

Từng khởi nghiệp rồi thất bại hai lần khi 25 tuổi, Phan Bá Mạnh – CEO Công ty Cổ phần Công nghệ vận tải An Vui không cổ vũ người trẻ khởi nghiệp vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm về ngành, thị trường. Theo anh, thất bại rất đa dạng. Nhiều người chỉ mất tiền sau cú vấp ngã, nhưng một số thất bại khiến người kinh doanh không thể vực dậy, thậm chí rẽ sang hướng khác.

Mới đây, thạc sĩ Vũ Tuấn Anh xuất bản cuốn sách “Khởi nghiệp ngay, sạt nghiệp luôn”. Ông lý giải tựa đề rằng, khởi nghiệp giống như đi trên một sợi dây. Trước khi khởi nghiệp, mọi người cần hiểu mối nguy hiểm của cuộc chơi này. Tuy nhiên, bạn trẻ thường nghĩ mình phải là người đầu tiên vì không làm ngay thì cơ hội sẽ trôi qua. Song trên thực tế, cơ hội luôn tồn tại. Điều quan trọng là ai biến cơ hội thành hiện thực.

khoi nghiep ngay sat nghiep luon 92360
Phan Bá Mạnh (bên trái) - CEO An Vui và Ngô Xuân Thắng (bên phải) - CEO Alibaba English trò chuyện trong Quốc gia khởi nghiệp.

Thất bại không có công thức

Rút kinh nghiệm sau nhiều lần vấp ngã, CEO An Vui khẳng định, dù ở độ tuổi nào thì quá trình chuẩn bị hành trang trước khởi nghiệp vô cùng quan trọng. “Người khởi nghiệp cần xác định mình làm vì điều gì, chuẩn bị như thế nào. Họ đừng lầm tưởng đam mê sẽ biến doanh nghiệp trở nên vĩ đại dù thất bại nhiều lần. Nếu start-up nào cũng thất bại, họ sẽ trở thành nhân tố phá hủy thay vì cống hiến, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”, Mạnh bình luận.

Vị giám đốc trẻ của An Vui kể anh khởi nghiệp và thất bại lần đầu tiên trong một thương vụ góp vốn do không phân biệt được điểm khác nhau giữa công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Vấp ngã khiến anh hiểu lỗ hổng của bản thân và quyết định học tiếp Đại học Kinh tế Quốc dân rồi trở lại khởi nghiệp.

Bá Mạnh bình luận, khác với thành công, thất bại không có công thức. Vì thế, người khởi nghiệp phải chuẩn bị lý tưởng, lên kế hoạch quản trị nhân sự, tài chính, thương hiệu, mối quan hệ xã giao, thị trường, chính sách bán hàng, luật pháp. Những hành trang đó được tích lũy trong quá trình học tập, trải nghiệm thực tế.

Xem thêm

Bùi Mến