Khống chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Cần kiên định với lộ trình đã khởi động
Hai áp lực đang đến gần với ngân hàng Việt | |
HoREA kiến nghị tiếp tục dùng tối đa 45% vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn |
Xét về mặt quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vì có thể tạo tiền lệ xấu. Ảnh: THÀNH HOA. |
Bối cảnh đã khác năm 2017
Còn nhớ, từ đầu năm 2017, các ngân hàng đã phải sử dụng tổng lực các giải pháp huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 60% về 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018). Hầu hết các ngân hàng đều định hướng tăng vốn điều lệ, hạn chế chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn tự có cấp 1. Đồng thời, các ngân hàng cũng đua nhau phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2 (vừa tăng nguồn vốn huy động trung, dài hạn vừa tăng hệ số an toàn vốn CAR). Lãi suất huy động trung, dài hạn được đẩy lên, có thời điểm lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn năm năm lên trên 9%.
Nhưng có vẻ Thông tư 06 là một cú phanh quá gấp. Nhiều đơn vị đã đề xuất giãn thời gian giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (trong đó có ý kiến của HoREA). Đánh giá số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017 và định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cuối quí 3-2017, NHNN đã đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ ở mức 45% vào năm 2018 và giảm về mục tiêu 40% vào năm 2019, thay vì ngay trong năm 2018. Dự thảo quy định trên sau đó thành hiện thực trong Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Việc thay đổi này được đánh giá là có những tác động tích cực trong ngắn hạn, giúp giảm áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu danh mục cho vay sang các khoản vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng có thời gian cân đối dòng vốn của mình.
Nay, ý kiến giãn thời gian giảm tỷ lệ trên lại được nêu ra. Nhưng các yếu tố về kinh tế vĩ mô và nội tại các TCTD đã không còn như năm 2017. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 5-2018 ở mức 27,67%, giảm mạnh từ mức 30,65% cuối năm 2017 và đã thấp xa mức mục tiêu 40%. Xét riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 30,23% và 31,60%. Có lẽ hầu hết các ngân hàng đều đã chuẩn bị kỹ cho tỷ lệ an toàn này.
Không nên tiếp tục trì hoãn
Xét về mặt quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vì có thể tạo tiền lệ xấu. Định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra hơn hai năm. Nếu cứ có người kêu ca lại nhượng bộ thì uy tín của NHNN e rằng sẽ bị ảnh hưởng. Việc NHNN ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định áp dụng tỷ lệ 40% sang năm 2019 thể hiện sự linh hoạt trong điều hành của NHNN nhưng rõ ràng việc siết chặt các chỉ số an toàn để đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững vẫn là mục tiêu mà NHNN đang hướng đến.
Bên cạnh đó, rủi ro thanh khoản cần tiếp tục được giảm thiểu khi cơ cấu huy động vốn của các TCTD vẫn đang nghiêng về tiền gửi có kỳ hạn ngắn do người dân lo ngại biến động của lãi suất, tỷ giá trong dài hạn. Các ngân hàng đã phải chung sống với điều kiện này, lấy tiền gửi ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Khi thiếu thanh khoản thì ngân hàng nhờ cậy vào thị trường liên ngân hàng. Những năm qua có nhiều thời điểm thị trường liên ngân hàng “sốt”, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên đến mức không tưởng, có nguyên nhân do tình trạng vay - gửi lệch pha như trên. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn càng cao thì rủi ro thanh khoản đối với ngân hàng càng lớn. Theo một số chuyên gia đánh giá, tỷ lệ này nếu giảm về mức 40% thì vẫn còn cao so với thông lệ quốc tế.
Doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao năng lực vốn
Ở các nước phát triển, cấu trúc nguồn tín dụng cho bất động sản khá đa dạng, từ các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí, đến các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài... Tại Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ người dân do thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh.
Để giảm phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng và chủ động hơn trong việc triển khai kinh doanh, khoảng hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Trong đó, đối tác nước ngoài vừa góp vốn phát triển dự án, vừa cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi. Việc sang nhượng dự án cũng diễn ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng huy động vốn từ phát hành cổ phiếu và sử dụng các kênh huy động vốn khác như M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp), phát hành trái phiếu.
Về phía các cơ quan chức năng, cần nghiên cứu đưa ra các chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực vốn để phát triển. Cụ thể như ban hành cơ chế, chính sách để phát triển thị trường vốn, hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường tài chính, nhà ở để cung cấp vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường bất động sản; thành lập các quỹ tín thác đầu tư bất động sản để huy động vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, từ đó đầu tư vào bất động sản...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/