Không loại trừ khả năng NHNN tiếp tục lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại trong nửa đầu năm nay đã có sự thay đổi rõ rệt trước những tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, người dân có xu hướng ít gửi tiết kiệm ngân hàng hơn, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy con số tăng trưởng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm là không lớn, số dư tiền gửi của khu vực dân cư gần như đi ngang trong quý II. Thay vào đó, người dân có xu hướng chuyển tiền sang các kênh khác đem lại lợi suất cao hơn như chứng khoán, bất động sản.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại có xu hướng gửi tiền nhiều hơn vào nhà băng, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Song, giới phân tích đánh giá rằng tiền gửi doanh nghiệp tăng lên trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các thời hạn ngắn, nhằm việc chủ động hơn đem tiền trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Điều này vô hình trung đã tạo áp lực huy động vốn trung và dài hạn cho các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh NHNN đang áp lộ trình hạ dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng hầu hết có xu hướng tăng trong thời gian qua.
Tại Techcombank, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này đã tăng 8,3 điểm % lên 57,6%, mức cao nhất toàn ngành theo ghi nhận của người viết và cũng cao hơn nhiều so với mức 40% theo quy định của NHNN.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất hệ thống và đồng thời cũng là nhà băng có lãi suất tiền gửi gần như thấp nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của Techcombank chỉ đạt 4,3%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt tới 13%.
Tại VIB và OCB, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng đang ở mức cao, trên 47%, nguồn vốn dài hạn chủ yếu được cân đối bởi giấy tờ có giá. Tỷ lệ này tại một số ngân hàng khác như SHB, VPBank tuy vẫn dưới mức quy định, nhưng vẫn ở mức mấp mé.
Một điểm khác có thể thấy đó là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại nhóm ngân hàng quốc doanh cũng thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng tư nhân. Như tại Vietcombank và VietinBank, tỷ lệ này chỉ dưới mức 16%.
Ngân hàng đẩy mạnh bổ sung nguồn vốn trung dài hạn
Theo như quy định của Thông tư 08/2020 sửa đổi Thông tư 22/2019, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện tại xuống còn 37% từ tháng 10 tới đây, và xuống 30% từ năm 2023. Vì vậy, áp lực huy động vốn dài hạn có lãi suất cao hơn ở các ngân hàng cũng sẽ tăng.
Trước quy định này, để chuẩn bị nguồn vốn cho vay trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã tìm cách huy động vốn từ tăng vốn điều lệ đến phát hành trái phiếu...
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Gần đây nhất, VPBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 80%, qua đó dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 45.058 tỷ đồng. Hay như MB, VIB... cũng đã thực hiện chia cổ tức trên 30%.
Hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu cũng diễn ra sôi nổi trước mốc hẹn tháng 10.
Theo đó, lũy kế 8 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại dẫn đầu với tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 116.100 tỷ đồng, đóng góp 39% vào tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Trong đó, chiếm chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn từ 2 - 4 năm, lãi suất thấp dao động từ 3 - 4,2%/năm cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu.
Hay như trường hợp của Techcombank, tuy không có kế hoạch chia cổ tức tăng vốn hay huy động trái phiếu, song ngân hàng này cho biết trong năm nay có thể sẽ tiếp tục thực hiện vay nguồn vốn ngoại thời hạn từ 3 đến 5 năm với lãi suất rất rẻ, có thể thấp hơn lãi suất huy động dân cư kỳ hạn 1 - 3 tháng.
Mặt khác, theo giới phân tích, NHNN có thể sẽ lùi thời hạn áp dụng quy định mới như đã từng vào năm ngoái để tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng ngoài việc tiếp tục lùi thời gian áp dụng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, không loại trừ khả năng NHNN sẽ thực hiện thêm biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác như giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động 6 tháng.