|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Triển vọng tăng trưởng huy động đang dần kém khả quan

07:49 | 08/09/2021
Chia sẻ
Theo VDSC, các hoạt động kinh tế yếu đã kéo giảm độ dốc của tăng trưởng tín dụng và huy động. Trong khi động lượng tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ ổn định lại trong giai đoạn tái mở cửa sắp tới, thì tăng trưởng huy động có thể vẫn còn lệch pha.
VDSC: Triển vọng tăng trưởng huy động đang dần kém khả quan - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Tăng trưởng tín dụng, huy động chậm lại

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng tín dụng và động lượng tăng trưởng huy động có xu hướng chậm lại thời gian qua.

Cụ thể, tính đến ngày 25/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,06% so với đầu năm. Kết quả này vẫn tương đối tốt khi so sánh với mới 4,75% cùng kỳ năm ngoái, xét đến tình hình giãn cách xã hội nghiêm trọng hơn trong năm nay.

Sau giai đoạn gần như không tăng trưởng trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng bật tăng trong vài ngày cuối cùng của tháng. Các phương án giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng sau đó có thể đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm trong nửa đầu tháng 8, theo các chuyên gia VDSC.

Triển vọng tăng trưởng huy động đang dần kém khả quan - Ảnh 2.

Tại thời điểm 11/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,66%, tương đương giảm 0,3 điểm % trong vòng dưới hai tuần, chủ yếu do dư nợ cho vay ngắn hạn. 

Tuy nhiên, cho vay ngắn hạn trở thành động lực dẫn dắt sau đó, tăng từ mức 7,17% (11/8) lên 7,9% (25/8) trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn không thay đổi đáng kể. 

Theo đó, nhóm phân tích cho rằng xu hướng này sẽ được duy trì trong tháng 9 do một số ngân hàng đang cố gắng sử dụng hạn mức tín dụng.

Cụ thể hơn, nhiều ngân hàng thương mại đang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới, mà theo VDSC sẽ diễn ra  vào cuối tháng 9 hoặc muộn nhất là nửa đầu tháng 10. 

"Room tín dụng hiện tại được cấp thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng. Ước tính hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện tại vào khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 12 - 13% cho cả năm", theo VDSC.

Về tăng trưởng huy động, nhóm phân tích cho rằng động lượng duy trì ổn định sau khi chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ trong hai tháng đầu năm. Tăng trưởng huy động tính đến cuối tháng 7 đạt 3,99% so với đầu năm và tính đến 25/8 đạt 4,44%.

Triển vọng tăng trưởng huy động đang dần kém khả quan - Ảnh 3.

Theo VDSC, lãi suất huy động thấp đang gây áp lực lên phía người gửi tiền, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng kì vọng và yêu cầu tối ưu biên NIM góp phần làm giảm nhu cầu mở rộng mạnh cơ sở huy động ở các ngân hàng. 

Động lượng tăng trưởng đang được hỗ trợ bởi việc áp dụng tiền gửi trực tuyến và eKYC, vốn giúp ổn định nhu cầu gửi tiền trong điều kiện giãn cách xã hội.

Triển vọng tăng trưởng huy động đang dần kém khả quan

Các hoạt động kinh tế yếu phản ánh tốc độ lưu thông chậm đã kéo giảm độ dốc của tăng trưởng tín dụng và huy động. Nhóm phân tích kỳ vọng giai đoạn tái mở cửa với nhu cầu ít bị gián đoạn hơn và động lượng tăng trưởng tín dụng ổn định lại. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động có thể vẫn còn lệch pha trong giai đoạn sắp tới.

Do tăng trưởng huy động ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn hơn so với tín dụng và dựa trên dự báo trước đó về sự thay đổi cơ cấu tiền gửi của ngành diễn ra cho đến cuối quý III, có khả năng độ dốc của xu hướng tăng trưởng huy động có thể không đủ để đạt mức trung bình của biên độ dự phóng (+10,8%). 

Trước đó, trong báo cáo chiến lược năm 2021, VDSC đã dự báo tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay là 9,2 - 12,3%. 

Có khả năng mức tăng trưởng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp, tuy nhiên, các chuyên gia của VDSC vẫn chờ các kế hoạch tái mở cửa rõ ràng hơn để đánh giá tốc độ phục hồi trước khi điều chỉnh dự báo.

VDSC: Triển vọng tăng trưởng huy động đang dần kém khả quan - Ảnh 3.

Lê Huy