|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tiền gửi dân cư chạm mức thấp kỷ lục trong 10 năm

08:32 | 29/08/2021
Chia sẻ
Tiền gửi của cư dân ghi nhận ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm trước. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất trong 10 năm qua.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng 4,43% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,78% so với cuối năm 2020. Tiền gửi của cư dân ghi nhận ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm trước.

Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất trong 10 năm qua. Theo đó, tăng trưởng tiền gửi đã từng đạt mức rất cao (trên 10%) vào những năm trước. Chẳng hạn, 17,2% (2012), 15,9% (2013) hay 12,9% (2016).

Tăng trưởng tiền gửi dân cư giảm xuống mức thấp kỷ lục  - Ảnh 1.

Nguồn: SBV.

Trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, có đến 7 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm. 

Trong đó, ABBank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất với mức giảm 7,4% so với đầu năm. Các ngân hàng còn lại góp mặt trong danh sách là SeABank (giảm 4,7%), NCB (giảm 4,4%), Viet Capital Bank (giảm 3,6%), MSB (giảm 1,7%), PG Bank (giảm 0,2%) và Saigonbank (giảm 0,3%).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 5,5%. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua.

Dòng tiền dân cư có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản thay vì lựa chọn gửi ngân hàng. Báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2021 của VCBS cũng nhận định doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động của các ngân hàng.

Phương Nga