|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng tài sản và tiền gửi của nhiều ngân hàng sụt giảm trong 6 tháng đầu năm

10:52 | 26/07/2021
Chia sẻ
Trái ngược với việc báo lãi "khủng", tổng tài sản và tiền gửi khách hàng tại nhiều ngân hàng lại có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm. Trong đó có ngân hàng giảm đến gần 6.000 tỷ đồng tài sản.

Mới đây, các ngân hàng liên tục công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Trong đó, có 4 ngân hàng ghi nhận tổng tài sản giảm với tổng mức giảm là 15.838 tỷ đồng.

... - Ảnh 1.

Một số ngân hàng ghi nhận tổng tài sản giảm trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Trong số các ngân hàng có tổng tài sản giảm, Bac A Bank là ngân hàng ghi nhận giảm mạnh nhất. Trong nửa đầu năm, tổng tài sản của ngân hàng giảm 5.905 tỷ đồng, tương đương giảm 5% so với cuối năm 2020. Chủ yếu là do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 31% còn 504 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm mạnh 55% xuống 5,246 tỷ đồng.

Xếp thứ hai là NCB khi chỉ tiêu này sụt giảm tới 5.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương giảm 6,3% so với cuối năm trước. Nguyên nhân chính là khoản mục tiền gửi tại NHNN giảm mạnh từ 1.550 tỷ đồng về gần 396 tỷ đồng và khoản mục tiền, vàng gửi tại các TCTD khác giảm từ 12.114 tỷ đồng về 9.478 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác có tổng tài sản giảm khá đáng kể trong 6 tháng đầu năm là ABBank. Tổng tài sản của ngân hàng giảm 3.230 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cuối năm 2020. Chủ yếu do giảm tiền gửi và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác, tuy nhiên mức giảm tại các khoản mục này không thay đổi nhiều so với đầu năm.

Saigonbank là ngân hàng có tổng tài sản giảm ít nhất với 1.072 tỷ đồng, tuy nhiên mức độ giảm so với đầu năm lại lên đến 4,5%. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 13%, tiền gửi tại TCTD khác giảm 9% và cho vay khách hàng giảm 1%.

Tiền gửi khách hàng cũng giảm

Không chỉ tài sản, tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng cũng giảm trong 6 tháng đầu năm. Trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, có đến 6 ngân hàng có tiền gửi khách hàng ghi nhận giảm với tổng mức giảm là 15.445 tỷ đồng, tương đương giảm 4,5%.

ABBank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất 6 tháng đầu năm. Số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng tính đến 30/6/2021 là 67.136 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm hơn 9% xuống 11.363 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn giảm 7,7% xuống 54.580 tỷ đồng.

Xếp sau là SeABank với 5.293 tỷ đồng tiền gửi ghi nhận giảm trong những tháng đầu năm, tương đương giảm 4,7%. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn giảm gần 28,6% xuống còn 7.914 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn giảm nhẹ 2% còn 99.389 tỷ đồng so với đầu năm.

NCB lại một lần nữa góp mặt trong danh sách khi tiền gửi khách hàng tại ngân hàng giảm hơn 3.100 tỷ đồng còn 68.904 tỷ đồng, tương đương giảm 4,4%. Theo báo cáo tài chính quý II/2021 của ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn giảm 1.297 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm; tiền có kỳ hạn cũng ghi nhận mức giảm tương tự với 1.893 tỷ đồng.

Các ngân hàng còn lại góp mặt trong danh sách là Viet Capital Bank (giảm 3,6%), PG Bank (giảm 0,2%) và Saigonbank (giảm 0,3%).

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ NHNN, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. 

Trong đó, tiền gửi dân cư tăng nhẹ  2,6% tính đến hết tháng 5/2021, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 4%. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 5 triệu tỷ đồng, tương đương 3,3%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 5,5%. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua. 

Dòng tiền dân cư có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản thay vì lựa chọn gửi ngân hàng. Báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2021 của VCBS cũng nhận định doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động của các ngân hàng.

Tổng tài sản của một số ngân hàng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Các ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Phương Nga).

Phương Nga

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).