|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Báo lãi lớn trong nửa đầu năm, ngân hàng có giữ được 'phong độ' trong 6 tháng còn lại?

09:07 | 24/07/2021
Chia sẻ
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đang dần lộ ra với những gam màu sáng, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều đó có được duy trì trong nửa cuối năm?
Báo lãi lớn trong nửa đầu năm, ngành ngân hàng có giữ được 'phong độ' trong 6 tháng còn lại? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Vietcombank).

Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh bất chấp dịch bệnh

Có thể thấy, các ngân hàng đều đạt những mức tăng trưởng lợi nhuận ít thì 30 - 50%, nhiều thì tăng bằng lần.

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, hiện mới chỉ có VietinBank và Vietcombank đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm.

Theo nguồn tin của chúng tôi, lợi nhuận trước thuế Vietcombank đạt được trong hai quý đầu năm ước đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập từ tín dụng tăng khoảng 20% trong khi đó thu ngoài lãi tăng 60%, nhờ vào tăng thu dịch vụ.

Còn về VietinBank, tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh vừa qua, lãnh đạo ngân hàng cho biết con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với lợi nhuận trước thuế cùng kỳ năm trước. Động lực tăng lợi nhuận đến từ tăng trưởng tín dụng 4,8% và tăng mạnh khoản thu từ dịch vụ mang về hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, thu nhập từ lãi là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng hai chữ số (31,5%) đạt 2.800 tỷ đồng.

Tại SeABank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2020. Đáng chú ý, thu thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng mạnh 311% lên 469,2 tỷ. Thu thuần từ lãi đạt 2.430 tỷ đồng, tăng 182% đồng.

Đáng chú ý, con số tăng trưởng còn hơn thế tại những ngân hàng có quy mô nhỏ, mức tăng trưởng ghi nhận phổ biến đều được tính bằng lần.

Như với VietABank, ngân hàng vừa lên sàn chứng khoán mới đây, báo lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳvà thực hiện được 62% kế hoạch năm. Con số này cũng xấp xỉ mức lợi nhuận trước thuế của cả năm 2020.

Một số cái tên khác như Kienlongbank, PG Bank hay NCB... cũng nằm trong nhóm tăng trưởng bằng lần này.

Báo lãi lớn trong nửa đầu năm, ngành ngân hàng có giữ được 'phong độ' trong 6 tháng còn lại? - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Trước áp lực nợ xấu, giảm lãi vay, ngân hàng có thể giữ vững "phong độ" trong nửa cuối năm?

Theo đánh giá của giới phân tích, lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nhờ hưởng lợi từ chi phí vốn thấp, biên lãi ròng (NIM) cải thiện, cùng với đó là sự tăng trưởng của các khoản thu ngoài lãi như dịch vụ, chứng khoán đầu tư.

Tuy nhiên, trước áp lực từ dịch bệnh ngày càng tăng, cùng với đó là việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi rằng triển vọng lợi nhuận của khối ngân hàng 6 tháng cuối năm còn có thể duy trì phong độ như nửa đầu năm?

Theo Thông tư 03, đến cuối năm nay, các ngân hàng sẽ phải trích lập ít nhất 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung cho các khoản nợ tái cơ cấu.

Trả lời với TTXVN, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết số nợ cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 hiện nay là 347.000 tỷ đồng, và con số này khả năng sẽ còn lớn hơn trong tương lai.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, thời gian tới, sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ hết sức khó khăn. Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động. Qua đó, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng nợ tái cơ cấu của các ngân hàng hiện chưa đáng lo ngại do số dư nợ này đã giảm đáng kể từ quý II/2020 khi tình hình tài chính nhiều khách hàng phục hồi. 

Đối với các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu giảm dần và chỉ còn chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ. Đồng thời, đa số ngân hàng khá lạc quan về khả năng thu hồi các khoản nợ tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, thực hiện theo vận động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ, hàng loạt ngân hàng mới đây đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới thu nhập lãi, vốn là nguồn thu chính của các nhà băng; từ đó, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.

Như trao đổi tại buổi họp giữa Hiệp hội Ngân hàng và các thành viên, đại diện LienVietPostbank cho hay với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Hay lãnh đạo của Sacombank cũng cho biết với tổng dư nợ đang vào khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch.

Song, cũng phải làm rõ rằng, các ngân hàng sẽ không giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ mà chỉ giảm đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, tập trung ở các ngành sản xuất, du lịch, vận tải,... Do đó, con số thiệt hại mà đại diện các nhà băng nêu trên có thể nói là chưa thực tế.

Chia sẻ trên Kênh Tài chính & Kinh doanh, ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho rằng việc giảm lãi suất không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho chính ngân hàng. 

"Chắc chắn việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tới con số lợi nhuận. Nhưng nếu không giảm, bản thân các khách vay không trả được nợ, các khoản nợ gốc trở thành nợ xấu, ngân hàng mất vốn và nguy cơ ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều", theo Chủ tịch VWA.

Trong cuộc trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Techcombank, một trong những ngân hàng tham gia giảm lãi suất cho khách hàng cho biết việc giảm lãi suất sẽ làm giảm thu nhập từ lãi của ngân hàng. Tuy nhiên, Techcombank lại có những chính sách khác để bù đắp lại như giảm chi phí huy động, tăng thu từ hoạt động phi tín dụng. Do đó, việc giảm lãi suất được cho là sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh năm 2021 mà ngân hàng đã đặt ra.

Với góc nhìn tích cực, ACBS cho rằng áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế chỉ tác động lớn tới các ngân hàng quốc doanh. Một phần vì lãi suất cho vay tuân theo quy luật thị trường, mặt khác lãi suất cần phải ở mức đảm bảo nguồn thu cho các ngân hàng duy trì hoạt động.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là quý IV. Dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 toàn nền kinh tế đạt 14%, trong đó, tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng tư nhân có thể đạt 15 - 20%.

Cùng với đó, NIM vẫn còn dư địa cải thiện nhờ tỷ lệ CASA tại các ngân hàng tiếp tục tăng lên nhờ đẩy mạnh số hoá và các chiến dịch khuyến mãi thúc đẩy giao dịch trực tuyến. Đồng thời, việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ cũng có lãi suất tốt hơn cho vay doanh nghiệp lớn (bán buôn).

Báo lãi lớn trong nửa đầu năm, ngành ngân hàng có giữ được 'phong độ' trong 6 tháng còn lại? - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia của ACBS, lãi từ hoạt động dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong dài hạn là yếu tố quan trọng góp phần vào lợi nhuận của các ngân hàng. Mặc dù hiện tại nhiều ngân hàng đang miễn phí giao dịch trực tuyến nhưng đây sẽ là nguồn thu tiềm năng trong tương lai. 

Thu từ hoa hồng bảo hiểm cũng là một trong những động lực khi một số ngân hàng như VietinBank, MSB, ACB sẽ bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ các thoả thuận độc quyền từ năm 2021.

Ngoài ra các mảng như tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế, đầu tư chứng khoán, thu từ các khoản cho vay ngoại bảng cũng là những nguồn thu nhập tiềm năng trong những năm tới.

Lê Huy