Giảm lãi suất cho vay có thể tác động tới tính chủ động, tính thị trường của các ngân hàng
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng để trao đổi, thống nhất kế hoạch thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm.
Sau quá trình thảo luận, hầu hết ngân hàng đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp, thời hạn thực hiện giảm lãi suất là trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Giảm lãi vay cho thấy sự quyết tâm về mặt ý chí của các ngân hàng
Trao đổi với chúng tôi, TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính có cái nhìn tích cực về hành động của các ngân hàng đồng thuận đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
"Sự đồng thuận này thể hiện quyết tâm của các ngân hàng thực hiện mong muốn của Chính phủ trong việc ổn định và giảm lãi để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi", theo tiến sĩ.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng năng lực của các ngân hàng hoàn toàn khác nhau, cả về mặt quản trị, tài chính.... Do đó, sẽ có những ngân hàng chịu sức ép về cân đối nguồn vốn, có thể ảnh hướng tới kết quả kinh doanh đã đề ra.
Chuyên gia đánh giá sự đồng thuận này cho thấy một quyết tâm về mặt ý chí của các ngân hàng, tuy nhiên đối với nền kinh tế thị trường về cơ bản phải chịu sự điều phối của cung cầu, vị tiến sĩ cho rằng việc điều chỉnh này có thể tác động tới tính chủ động, tính thị trường của các ngân hàng.
Đại diện NHNN cũng đã lưu ý các ngân hàng nên linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo sức khỏe của mình có mức giảm phù hợp, để hỗ trợ doanh nghiệp tích cực, thực chất và đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Cũng tại buổi họp, đại diện LienVietPostbank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.
Đây cũng là băn khoăn của Sacombank, khi đại diện ngân hàng này cho biết với tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của nhà băng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch.
Lãi suất ở mức thấp thì ngân hàng có cơ hội tăng trưởng tín dụng lớn hơn
TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc giữ được lãi suất ổn định ở mức thấp thì ngân hàng sẽ có cơ hội để tăng trưởng tín dụng lớn hơn, cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, lãi suất thấp cũng chỉ là một điều kiện, bên cạnh đó còn là tiêu chuẩn cho vay của các tổ chức tín dụng. "Doanh nghiệp phải không có nợ xấu, nợ quá hạn, có tài sản đảm bảo hay không và tài sản như thế nào... mới là những điều kiện đầu tiên của ngân hàng đánh giá vay vốn", ông Thịnh nói.
Điều này cũng được các ngân hàng thực hiện trong việc đánh giá các tiêu chí để chọn nhóm ưu tiên được hỗ trợ như các đối tượng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp có đơn hàng lớn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
"Những đối tượng được các ngân hàng hướng đến để giảm lãi suất tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất", Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ.
Cùng với việc đồng thuận giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, các ngân hàng cũng mong muốn sớm được nới "room" tín dụng để có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Hiện tại nhiều ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm, có tổ chức đã kín hạn mức được giao đầu năm từ NHNN.