|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dịch COVID-19: Lợi nhuận ngân hàng 'khủng', nguyên nhân do đâu?

15:01 | 16/07/2021
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng thời gian qua ghi nhận nhiều số liệu tăng trưởng tích cực; trong đó, lợi nhuận một số ngân hàng tăng cao đột biến.
Dịch COVID-19: Lợi nhuận ngân hàng 'khủng', nguyên nhân do đâu? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. (Ảnh: Tạp chí Thị trường, tài chính - tiền tệ).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực, tăng trưởng thấp, doanh nghiệp và người dân khó khăn, những con số “lợi nhuận khủng” của ngành ngân hàng cần được hiểu ra sao? Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Phóng viên: Thưa ông, ngân hàng được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế, tại sao khi kinh tế chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng thấp, doanh nghiệp và người dân khó khăn thì ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận lớn?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Lợi nhuận của ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ. Lợi nhuận ngân hàng có được nhờ các yếu tố sau:

Thứ nhất, bản thân các tổ chức tín dụng đã tự củng cố, nâng cao được năng lực quản trị, năng lực tài chính của mình thông qua biện pháp tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản 2). Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động nhờ sớm đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tích cực cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, phải kể tới sự hình thành ngân hàng số đem tới sự giản tiện cho người dùng. 

Cũng bởi có ngân hàng số và thanh toán điện tử mà lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Thứ ba, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế.

Thứ tư, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đang mang lại hiệu quả cao. Tới nay, 21 tổ chức tín dụng đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường. 

Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, những khoản nợ liên quan đến bất động sản, hoặc những bất động sản tồn đọng trước đây đều được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. 

Đây là một trong những điểm quan trọng giúp phá tan “cục máu đông” nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỷ lệ thu nhập bất thường ở các tổ chức tín dụng trong thời gian qua.

Thứ năm, bản thân các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này.

Thứ sáu, sau hơn một năm tổ chức thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí. Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.

Thứ bảy, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Phóng viên: Như ông đã phân tích lợi nhuận của ngân hàng đến từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ từ tín dụng. Nhưng liệu chênh lệch lãi suất huy động với lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng hiện có quá lớn?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Thực tế cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra có doãng ra trong năm 2021 nhưng độ doãng đó hợp lý và phù hợp với thực tế. Chênh lệch này chưa tính toán đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro.

Tỷ lệ vốn không kỳ hạn tăng thêm, chi phí giảm xuống, vốn điều lệ được bổ sung đảm bảo hệ số CAR là điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất. Nhưng việc giảm lãi suất cũng phải có bước đi, lộ trình phù hợp. 

Hiện tỷ lệ nợ trung và dài hạn tại các ngân hàng lên tới 40%. Do trước đây các khoản vay này đều có lãi suất cao, nên tới khi giảm lãi suất, bắt buộc phải thực hiện giảm từng bước hay giảm dần để đảm bảo tỷ lệ đủ bù đắp chi phí của tổ chức tín dụng.

Mới đây, các tổ chức tín dụng đã đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này có lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp, từ đó tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển.

Lợi nhuận đang được các tổ chức tín dụng cân nhắc sử dụng một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng. Dù con số lợi nhuận cao nhưng tỷ lệ chia cổ tức của các ngân hàng chỉ trong khoảng từ 5-9%, thậm chí có ngân hàng nhiều năm nay chưa chia cổ tức. 

Chưa kể, ngân hàng luôn sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội. Ngành ngân hàng đã đóng góp vào các quỹ và hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19 do Đảng và Chính phủ phát động thời gian qua trên 1.400 tỷ đồng.

Phóng viên: Bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường ảnh hưởng ra sao tới hoạt động của ngành ngân hàng, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới ngành ngân hàng là rất lớn đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Theo tôi biết, số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN hiện nay là 347 nghìn tỷ đồng. Nhưng con số này khả năng sẽ còn lớn hơn.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, thời gian tới, sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ hết sức khó khăn. Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động. 

Kể cả những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng sản xuất kinh doanh, đóng cửa do công nhân bị nhiễm bệnh.

Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả nợ vay ngân hàng, trong khi ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021 trong giai đoạn 3 năm.

Như vậy, chắc chắn nợ xấu của ngân hàng sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới. Cần phải nhìn nhận, nợ xấu giai đoạn này có nhiều điểm khác so với năm  2008. Nguyên nhân gây ra không phải do yếu tố chủ quan mà là khách quan bởi dịch bệnh toàn cầu ảnh hưởng tới không chỉ Việt Nam mà cả toàn thế giới.

Thêm nữa, trong bối cảnh các ngân hàng có trách nhiệm cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi, phí… cho các khách hàng, thì ở góc độ khác, các doanh nghiệp viễn thông hay tổ chức thẻ quốc tế đều chưa có sự hỗ trợ cho ngân hàng trong việc giảm phí, dù phía ngân hàng đã nhiều lần có văn bản đề nghị.

Nếu không có dịch COVID-19, những kết quả khởi sắc ngành ngân hàng đạt được là rất đáng trân trọng vì đã tái cơ cấu và từng bước xử lý nợ xấu thành công. Với việc đại dịch bùng phát như hiện nay, ngành ngân hàng lại tiếp tục sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc tái cơ cấu mới với mức độ phức tạp hơn rất nhiều.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Phương