Mặt bằng lãi suất ngân hàng nhích dần lên khi cuộc đua ngày càng 'nóng'
So sánh lãi suất ngân hàng tháng 9/2018: Top 3 ngân hàng có lãi tiết kiệm 1 năm cao nhất? | |
Agribank, VietinBank và Vietcombank gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm |
Trong cuộc đua lãi suất huy động hiện tại, không chỉ có việc điều chỉnh tăng mà còn có giảm tuy nhiên xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế. Mức điều chỉnh dao động từ 0,1 điểm phần trăm đến 0,7 điểm phần trăm. Động thái này của các ngân hàng cho thấy mặt bằng lãi suất đang được nâng lên.
Cuộc đua tăng lãi suất đang "nóng" dần lên
Ngay từ những ngày đầu tháng 9, hàng loạt ngân hàng có bước tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Ngày 3/9, Vietcombank mở màn xu hướng tăng lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng từ 6,4% lên 6,5%/năm. Hai "ông lớn" Agribank và VietinBank sau đó vài ngày nâng lãi suất ở hầu hết kỳ hạn, mức tăng từ 0,1 - 0,2 điểm %.
Sau đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đua nhau tăng lãi suất như Techcombank, Eximbank, PVcomBank, LienVietPostBank, Kienlongbank, Saigonbank,…
Vietcombank đã phải điều chỉnh lãi suất lần hai trong tháng 9 vào ngày 14 với việc tăng lãi suất của nhiều kỳ hạn còn lại.
Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy điều chỉnh "khủng" nhất là tại Saigonbank. Kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,9% lên 6,6%/năm, tương ứng tăng 0,7 điểm %; tại kỳ hạn 1 năm tăng 0,5 điểm % (từ 6,8% lên 7,2%/năm).
Hình thức tăng lãi suất cũng trở nên đa dạng hơn khi ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mãi tặng quà khi gửi tiết kiệm. Gần đây nhất, ngày 24/9, VIB đưa ra chương trình "nhân đôi lãi suất". Theo đó, lãi suất của tháng đầu tiên sẽ được nhân đôi đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên và số tiền tối thiểu 100 triệu đồng. Như vậy, sau khi áp dụng chương trình này, lãi suất sau đó có thể nhận được tăng khá nhiều, lọt top đầu các ngân hàng có lãi suất cao.
Thế nhưng, một số ngân hàng đi ngược xu hướng khi giảm lãi suất thời gian qua. Đơn cử là VPBank, giảm lãi suất ngay trong ngày đầu tháng 9 ở nhiều kỳ hạn từ 1 tháng, 3 tháng,… đến các kỳ hạn cao hơn, mức giảm cao nhất 0,5 điểm %. Ngoài ra còn có SHB giảm tại kỳ hạn 18 tháng; OCB giảm tại kỳ hạn 1 tháng.
Đáng chú ý, các ngân hàng như MBBank, TPBank lại đồng thời tăng và giảm ở một số kỳ hạn khác nhau.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những tuần đầu của tháng 9, dường như mức lãi suất huy động VND không thay đổi so với con số của tháng 8.
Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm.
Vì sao lãi suất huy động tăng?
Có thể nhận thấy tình trạng hiện nay là lãi suất huy động tại thị trường 1 tăng trong khi lãi suất liên ngân hàng (thị trường 2) đang có dấu hiệu giảm.
Thị trường liên ngân hàng tháng 9 dần ổn định trở lại sau những căng thẳng vào tháng 7 khi tỷ giá USD tăng cao. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh cho thấy thanh khoản được cải thiện khá nhiều. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm từ mức hơn 4% từ giữa tháng 8 về 2,29% tại ngày 24/9.
Theo chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), lãi suất ngân hàng tăng là do kỳ vọng và nhu cầu vốn của các ngân hàng trong tương lai trong khi lãi suất thị trường liên ngân hàng là thể hiện trạng thái ngắn hạn mang tính chất tạm thời của thanh khoản các ngân hàng.
Chuyên gia cho biết lãi suất huy động tăng do nhu cầu vốn của ngân hàng cao vào cuối năm do yếu tố mùa vụ. Hơn nữa, do từ năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% nên nhu cầu vốn ở các kỳ hạn dài cũng tăng lên. Cùng với đó, áp lực tỷ giá từ việc đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng đến lãi suất huy động VND.
Mối tương quan khi lãi suất USD đã tăng và có khả năng tục tăng lần hai trong năm 2018 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND. Đồng thời, chiến tranh thương mại khiến đồng USD tăng giá cao so với nhiều đồng tiền trên thế giới, và đồng nhân dân tệ (CNY) suy yếu cũng tạo sức ép làm giảm giá VND. Để giữ giá VND, việc tăng lãi suất là giải pháp trực tiếp nhất.
Lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định mức tăng lãi suất cho vay sẽ không cao do NHNN đang hạn chế tăng trưởng tín dụng vào cuối năm để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ kích thích tính cạnh tranh của các ngân hàng trong thị trường cho vay vào cuối năm.
Lãi suất liên ngân hàng sẽ ổn định nhờ tỷ giá
CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, thị trường tiền tệ trong tháng 7 và tháng 8 khá căng thẳng do NHNN giảm bớt thanh khoản, tăng lãi suất VND để giữ ổn định tỷ giá. Khi đó áp lực lên tỷ giá khá cao mà lãi suất là công cụ cơ bản để có thể ổn định tỷ giá.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI: "Để phân tích được tình hình lãi suất của Việt Nam trong thời gian tới thì cần nhìn ra thế giới. Bởi vì áp lực chính lên VND từ chiến tranh thương mại căng thẳng khiến đồng CNY mất giá. Việt Nam bị ảnh hưởng tâm lý khá lớn từ việc này và khi mà đồng CNY ổn định trở lại thì sẽ giúp cho VND sẽ ổn định hơn".
Ông cho biết, từ tháng 8, Trung Quốc áp dụng cơ chế kiểm soát chặt chẽ đồng CNY. Do đó, CNY có xu hướng đi ngang từ giữa tháng 8 ngay cả khi Mỹ áp dụng thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc. Ông cho rằng, với quyết tâm giữ ổn định đồng CNY từ phía Trung Quốc, bởi đồng CNY đã mất giá khá nhiều thì tác động từ CNY đến VND giảm rất nhiều.
Đồng thời, với diễn biến hiện tại thì tỷ giá sẽ ổn định trong thời gian tới nhờ những thông tin tích cực trong nước như xuất siêu 22 tỷ USD, dòng tiền M&A lớn (từ thương vụ đầu tư vào Masan khoảng 500 triệu USD) tạo nguồn cung ngoại tệ lớn.