|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ gì từ chính sách tiền tệ?

11:21 | 04/01/2022
Chia sẻ
Trong nhóm các giải pháp về chính sách tiền tệ, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong hai năm, đồng thời tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Nhóm 7 giải pháp về chính sách tiền tệ

Theo báo cáo về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất nhóm 7 giải pháp về chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Thứ nhất, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần duy trì môi trường đầu tư kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài;

Thứ hai, điều hành đồng bộ các công cụ lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 02 năm. Trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt;

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng;

Thứ tư, điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ Chương trình.

Thứ năm, điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa[1], phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để việc huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho NSNN.

Thứ 6, sử dụng khoảng 46.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ để sẵn sàng bán can thiệp khi thị trường và tỷ giá có biến động để bình ổn tâm lý thị trường trong trường hợp Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước. Dự kiến phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ trong nước.

Thứ 7, tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Việc lượng hoá quy mô giải pháp tiền tệ là khó khả thi

Báo cáo cũng chỉ ra việc lượng hóa tổng quy mô giải pháp tiền tệ (lượng tiền cung ứng) trong Chương trình là khó khả thi.

Bởi vì thực thi chính sách tiền tệ là việc điều hành các công cụ, biện pháp tiền tệ ngắn hạn, có tính linh hoạt cao với mục tiêu chủ yếu để cung ứng tiền cho nền kinh tế, điều tiết thanh khoản, từ đó tác động lên tín dụng, lãi suất. 

Đồng thời, phát huy tác động truyền dẫn của các giải pháp tài khóa vào nền kinh tế. Nếu thiếu hụt lượng cung ứng thì chính sách tài khóa không thể tác động lan truyền đến các cân đối vĩ mô, tổng cung – tổng cầu; ngược lại, nếu lượng cung tiền quá lớn, vượt khả năng hấp thụ của nền kinh tế thì gây rủi ro lạm phát.

Do đó, chính sách tiền tệ cần duy trì "lượng cung tiền hợp lý" để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Trong các chương trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng COVID-19, các nước không tính toán tổng quy mô hỗ trợ tiền tệ. Theo cơ sở dữ liệu về giải pháp hỗ trợ của các quốc gia ứng phó với đại dịch, IMF chỉ thống kê tổng quy mô các chương trình hỗ trợ tài khóa; không thống kê tổng quy mô mà chỉ liệt kê, mô tả các giải pháp tiền tệ.

Một số nghiên cứu tại Việt Nam trích nguồn thống kê của IMF về tổng mức hỗ trợ tài khóa-tiền tệ toàn cầu đến quý II/2021 là khoảng 17.910 tỷ USD, từ đó các nghiên cứu này chỉ ra tương quan quy mô hỗ trợ tài khóa – tiền tệ là 61% - 39%. 

Tuy nhiên, qua rà soát cơ sở dữ liệu gốc của IMF, cho thấy mức hỗ trợ 17.910 tỷ USD nêu trên là tổng quy mô hỗ trợ tài khóa của các quốc gia, không phải là giải pháp tiền tệ, trong đó tỷ lệ 61% - 39% là tương quan giữa hai nhóm giải pháp khác nhau nhưng đều thuộc chính sách tài khóa.

Do đó, trong Chương trình phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ không đưa ra tổng quy mô tiền tệ mà cụ thể hóa các giải pháp điều hành. 

Từ các quan điểm, định hướng của chương trình, NHNN điều hành linh hoạt các giải pháp, công cụ để cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời để triển khai thành công các chính sách tài khóa, tiền tệ góp phần phục hồi kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Phương Nga