|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc chỉ ra 8 thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2022: Cẩn trọng với biến số lạm phát, gói tín dụng ưu đãi

16:36 | 29/12/2021
Chia sẻ
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong năm 2022, ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức khi áp lực lạm phát gia tăng, ảnh hưởng có độ trễ của các khoản nợ có vấn đề và việc mở rộng tín dụng thông qua các gói vay ưu đãi.
Phó Thống đốc chỉ ra 8 thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2022: Cẩn trọng với biến số lạm phát, gói tín dụng ưu đãi - Ảnh 1.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

Rủi ro trước các biến số lạm phát, nợ xấu

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 chiều 29/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành ngân hàng.

Ông cho biết mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ áp lực lạm phát nhất là trong điều kiện CSTT đã được nới lỏng kéo dài trong mấy năm qua.

Những yếu tố chủ quan và khách quan đang ảnh hưởng đến rủi ro lạm phát được kể đến như chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản (dầu, lương thực, thực phẩm), kinh tế dự kiến phục hồi đẩy nhu cầu tăng cao và sức ép lên giá cả.

Phó Thống đốc nhận định dịch bệnh kéo dài trong suốt hai năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD.

"Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ", ông nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 7,31%.

Cùng với đó, việc mở rộng quy mô tín dụng và thái quá các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì không chỉ khó khăn cho điều hành CSTT trong việc cung ứng tiền từ NHNN mà còn tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các TCTD.

Từ đó, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung-dài hạn cũng như làm méo mó thị trường lãi suất, thị trường tín dụng khi có nhiều gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi khác nhau cùng được triển khai thực hiện.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD. 

Ngoài ra, việc ban hành chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ đến hạn hiện nay là giải pháp tình thế, cần thiết trong ngắn hạn, tuy nhiên việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong trung hạn.

Trên thực tế, việc tái cơ cấu đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng.

Ông cũng chỉ ra bất cập rằng dịch bệnh kéo dài làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay vốn khiến việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn. Nhưng nếu tạo điều kiện cho khách hàng sẽ dễ dẫn đến việc nới lỏng điều kiện vay vốn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và việc trả nợ ngân hàng của khách hàng cũng gặp khó khăn khi thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, kể cả giãn cách cục bộ.

Tăng vốn vẫn còn nhiều bất cập với nhóm Big4

Về vấn đề tăng vốn, Phó Thống đốc cho rằng nguồn lực cho các NHTM Nhà nước còn bất cập với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ. 

Cụ thể, việc thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ vừa qua và sắp tới, nhưng các ngân hàng này chưa được NSNN bố trí đủ vốn hoặc chưa được bố trí nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng. 

Mặt khác, vốn điều lệ các NHTM Nhà nước tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia (điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển,..) hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, DNNVV; ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.

Về khuôn khổ pháp lý, Phó Thống đốc cho biết hiện nay nhiều quy định tại các văn bản quy phạm, kể cả Luật, có nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ thẩm quyền trong việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, hoạt động tín dụng tiêu dùng, các lĩnh vực chuyển đổi số của NHNN cũng như các Bộ, ngành có liên quan.

Theo ông, cần có hành lang pháp lý đồng bộ trong việc áp dụng công nghệ mới,  ứng dụng chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm thanh toán và trung gian thanh toán,... để hạn chế rủi ro cho khách hàng nói riêng và hệ thống thanh toán nói chung.

Bên cạnh đó là thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng tạo thuận tiện cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số; sự thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng; việc đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng; việc bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số,... 

Diệp Bình