KBSV: Hầu hết ngân hàng đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiệu lực vào đầu tháng 10
Thống kê của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) số liệu vào cuối năm 2022, hầu hết ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 30%, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 08 (2020) sắp được áp dụng vào đầu tháng 10.
Cụ thể, ngoại trừ OCB có tỷ lệ này ở mức 32%, các nhà băng lớn hầu hết đều đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại Techcombank đạt 29%, Agribank là 25%, VietinBank là 26% và BIDV đạt 22%. Các ngân hàng khác như Vietcombank, HDBank (tỷ lệ đạt 8%) thuộc nhóm ít các ngân hàng có tỷ lệ dưới 10% và gần như không chịu ảnh hưởng từ lộ trình mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối quý II, một số ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhích lên hơn 30%. Chẳng hạn như Techcombank, tính đến cuối quý II/2023, ngân hàng này có tỷ lệ VNHCVTDH đạt 31,6%, cao hơn mức trần 30% sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 10.
Theo đúng lộ trình được quy định trong Thông tư 08, đến ngày 1/10/2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như hiện tại. Theo NHNN, hiện có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng. Tuy nhiên 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn.
Tính đến tháng 7/2023, các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% (áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023). Theo đó, tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các NHTM cổ phần, cao hơn so với nhóm NHTM có vốn nhà nước (24,97%). Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Theo chuyên viên phân tích của KBSV, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ trên sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Đồng thời, Thông tư 08 cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn (COF), gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Tuy nhiên trong dài hạn, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.