Khởi nghiệp không có nghĩa là... kiếm tiền
Là cố vấn cao cấp Ban khởi nghiệp quốc gia, Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng thời là thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi khởi nghiệp quốc gia nhiều năm liền, ông Đàm Quang Thắng chia sẻ, thay vì tập trung vào bán hàng, kiếm tiền, thì các dự án khởi nghiệp nên ưu tiên xây dựng hệ sinh thái và kiểm chứng phản ứng thị trường ngay từ giai đoạn đầu.
Ông Đàm Quang Thắng tại ngày hội sáng tạo khởi nghiệp |
Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2017, tôi cho rằng khởi nghiệp tại Việt Nam có những bước đột phá lớn, không còn đơn thuần là một phong trào nữa. Mà nó là một xu thế, chí hướng vì một quốc gia phát triển và cường thịnh. Nhất là sau những bài phát biểu, lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại các diễn đàn, hội nghị thì khởi nghiệp đã trở thành từ khóa hót nhất trong năm 2017 vừa qua.
Đặc biệt, năm 2016 Chính phủ đã có Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Quyết định 1665/QĐ-TTg năm 2017 về việc phê duyệt “Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” làm tiền đề, nền móng quan trọng giúp khởi nghiệp ở nước ta có điều kiện, môi trường phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Văn bản pháp quy đã có, giờ là thời khắc đất nước đang cần nhất những con người có tinh thần khởi nghiệp cùng đứng lên tạo lập sự nghiệp cho bản thân, tạo giá trị và công ăn việc làm cho xã hội. Nhìn chung, trong mấy năm trở lại đây, số lượng các đề án, dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là những dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp ngày một nhiều hơn, song mức độ, quy mô đa phần còn nhỏ, chưa vượt qua được giới hạn địa lí, kỹ thuật.
Điều này cũng dễ hiểu bởi nước ta mới chỉ đang trong giai đoạn xây dựng nên các hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi sẽ là cái nôi nuôi dưỡng hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sau này. Nhưng bước sang năm 2018, tôi tin tưởng sẽ có những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp tốt hơn, lớn hơn khi có sự hỗ trợ về môi trường, nguồn lực, kiến thức từ các hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khởi nghiệp, thắng hay thua đều bắt đầu từ tư duy, ý tưởng. Quá trình tham gia hội đồng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, tôi nhận thấy đa phần các ý tưởng khởi nghiệp vẫn nặng về bán hàng, kiếm tiền. Tính mới, tính sáng tạo của các dự án chưa thực sự sắc nét. Khởi nghiệp khi đã có người khác đi trước rồi, thì rất cần sự mới mẻ, nếu đi vào lối mòn sẽ thất bại.
Trong khi đó, những dự án khởi nghiệp thành công lớn trên thế giới và mang tính toàn cầu họ khác chúng ta, họ tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái trước để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, sau đó mới là việc kiếm lợi nhuận từ hệ sinh thái đó. Tiền có cần không? Rất cần. Nhưng nếu cứ chăm chăm kiếm tiền chưa chắc đã nhìn thấy cơ hội có tiền. Nghe phi lý nhưng lại có lý đấy.
Ví dụ như Facebook, Zalo chẳng hạn, ban đầu họ cung cấp miễn phí cho người dùng, nhưng lại mang lại nguồn thu rất lớn từ quảng cáo sau này khi thu hút được lượng lớn khách hàng tham gia vào cộng đồng sinh thái do họ xây dựng lên. Khi đó, các ông chủ các mạng xã hội này không muốn cầm tiền thì tiền vẫn đổ vào túi họ. Tiền sẽ đến khi nó khắc phải đến, khi cơ hội kiếm tiền đã chín muồi.
Một hạn chế và sai lầm phổ biến khác trong các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam là thường xây dựng mô hình trong nhà, trên lý thuyết trước, sau đó mới bê mô hình đó ra thị trường. Cách làm truyền thống này đem đến rủi ro rất lớn, bởi tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Đến khi đưa ra ngoài thực tế và kiểm chứng thị trường lại không giống lý thuyết và thực tế ban đầu như chủ dự án khởi nghiệp hình dung, tưởng tượng.
Xu hướng khởi nghiệp trên thế giới hiện nay là sau khi có ý tưởng thực sự mới, họ bắt tay vào triển khai ngay ngoài thực tế, trong quá trình đó vừa làm vừa điều chỉnh theo phản ứng và phản hồi của thị trường. Nếu ý tưởng nào đó không được thị trường chấp nhận sẽ bị loại bỏ để không tốn thời gian, công sức. Ý tưởng nào được chấp nhận sẽ tiếp tục được hoàn thiện, điều chỉnh và phát triển ngày một ưu việt hơn.
Tuy nhiên, khởi nghiệp cũng có những quy luật và những bước đi mang tính phổ quát chung, trong đó vài trò cố vấn là rất quan trọng. Tiếp đến là tinh thần đổi mới sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết, kiên trì của cá nhân, tổ chức có ý tưởng khởi nghiệp. Tất cả những điều này xuất hiện cùng lúc, song hành và nuôi dưỡng cho nhau để hạt mầm khởi nghiệp đội đất vươn lên lớn mạnh.
Vì vậy, vai trò tư vấn, định hướng, hỗ trợ tài chính nguồn lực của các Viện, trường Đại học với các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng. Phải qua được giai đoạn này chúng ta mới nghĩ tới việc kêu gọi doanh nghiệp hay thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Là một nước đứng tốp đầu trên thế giới về xuất khẩu nông sản nên dư địa, tiềm năng trong khởi nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam còn rất lớn. Trong đó, cơ hội đang vô cùng rộng mở trong mảng công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ giống, công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vào nông nghiệp.
Nhưng như tôi đã nói ở trên, bất kỳ một ý tưởng khởi nghiệp nào đi chăng nữa, đặc biệt là nông nghiệp, nông sản đều phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Bởi thị trường luôn đúng chứ không phải suy luận của chúng ta đúng.
Ngay cả khi thành công rồi mà chúng ta không tiếp tục hoàn thiện, lược bỏ những hạn chế, rườm rà để mô hình, sản phẩm ưu việt hơn, phù hợp tiện lợi hơn cho thị trường, cho người dùng thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ lại trở thành những mô hình lạc hậu, cũ kỹ.
Thực tế đã chứng minh rất nhiều phương tiện, công cụ, công nghệ ngày trước là hoàng kim, cảm tưởng không thể nào thay thế nhưng hiện nay gần như đã hoặc sắp trở thành dĩ vãng, như Yahoo messenger, bốt điện thoại công cộng… Do đó, xác định khởi nghiệp là phải luôn luôn giữ trong mình ngọn lửa tinh thần không ngừng hoàn thiện, không ngừng đổi mới và luôn xác định sẵn sàng thay đổi để phù hợp hơn với thị trường.
Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy, khi tiến hành một dự án khởi nghiệp, các bạn trẻ nên chú ý đặc biệt tới công nghệ thông tin, nguồn lực ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, nhân lực chuyên nghiệp, quản trị ưu việt, quy trình, thương hiệu và cuối cùng là xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp của dự án khởi nghiệp.
“Việt Nam có rất nhiều đặc sản vùng miền và đây là lợi thế rất lớn. Thực tế, những năm gần đây rất nhiều chuỗi nông sản, nông nghiệp được gây dựng lên từ các ý tưởng khởi nghiệp, nhưng đa phần vẫn nặng về bán hàng và kiếm tiền, chưa vượt qua được giới hạn của địa lí, kỹ thuật, rất khó nhân rộng ra thành chuỗi hay hệ thống lớn.
Nguyên nhân có rất nhiều, trong đó không hẳn vì nguồn lực hạn chế mà đa phần do các chuỗi chưa có quy trình chuẩn, chưa có bộ phận đào tạo nhân lực chuyên sâu, bộ phận truyền thông, thị trường chưa chuyên nghiệp nên việc mở rộng cũng như thu hút đầu tư khá khó khăn và hạn chế”, ông Đàm Quang Thắng.